10 xu hướng gắn kết nhân viên nổi bật năm 2024

Tìm hiểu về các xu hướng gắn kết nhân viên mới nhất và cách sử dụng chúng để tạo lợi thế cho tổ chức của bạn.

Chúng ta đang ở tại một thời điểm thú vị trong lịch sử loài người, nơi AI dường như đã phát triển lên một tầm cao hơn – không đủ cho một cuộc nổi dậy của robot – nhưng đủ để khiến nhiều kỹ năng chung trở nên dư thừa.

AI tạo sinh (Generative AI) đang nhanh chóng biến đổi mọi khía cạnh của công việc và sự gắn kết nhân viên cũng không tránh khỏi tác động đó. Mặc dù vậy, sự gắn kết vốn là một khái niệm của con người. Sự gắn kết của nhân viên gắn chặt với cách chủ doanh nghiệp đối xử với nhân viên và cách nhân viên cảm nhận về công việc và người chủ của họ.

Mặc dù máy móc có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn trong việc nâng cao sự gắn kết của nhân viên nhưng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp luôn muốn cập nhật các xu hướng mới nhất để hiểu rõ hơn về nhu cầu (và kỳ vọng) của nhân viên. Sau đây là 10 xu hướng gắn kết nhân viên đáng chú ý trong thời gian tới và cách bạn có thể sử dụng chúng để nâng cao mức độ gắn kết của nhân viên tại tổ chức của mình.

1. Mô hình làm việc kết hợp sẽ tiếp tục phát triển

Nhân viên muốn làm việc từ xa, còn chủ doanh nghiệp muốn họ quay trở lại văn phòng. Trong trò chơi kéo co giữa nhân viên và chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý nhân sự sẽ phải tìm ra một nền tảng trung gian sáng tạo để cả hai bên đều hài lòng. Do đó, các mô hình làm việc kết hợp sẽ tiếp tục phát triển, trong đó các công ty sẽ điều chỉnh chính sách và công nghệ để cân bằng giữa làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng.

Tại sao chúng tôi lại gọi đây là trò chơi kéo co? Chỉ cần nhìn vào những con số này:

  • 98% nhân viên từ xa muốn tiếp tục làm việc từ xa và sẽ giới thiệu công việc từ xa cho người khác. Trong khi đó, 90% công ty có kế hoạch quay trở lại văn phòng vào cuối năm 2024.
  • 28% chủ doanh nghiệp dọa sa thải nhân viên nếu họ không muốn quay lại văn phòng. 39% nhân viên sẽ nghỉ việc nếu buộc phải quay lại văn phòng.

Những con số cho thấy rõ ràng các nhà tuyển dụng muốn quay trở lại thời kỳ trước Covid-19 càng sớm càng tốt, trong khi nhân viên lại không muốn như vậy. Mô hình làm việc kết hợp cung cấp nền tảng trung gian hoàn hảo vì nó kết hợp giữa sự linh hoạt của hình thức làm việc từ xa với lợi ích của việc cộng tác tại văn phòng, tạo ra sự cân bằng cho phép nhân viên làm việc từ các địa điểm khác nhau trong khi vẫn duy trì các tương tác trực tiếp cần thiết.

Gartner dự đoán rằng, có tới 39% người lao động trí thức toàn cầu sẽ làm việc kết hợp đến cuối năm 2023. Chúng tôi tin rằng mô hình làm việc kết hợp sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai gần. Dưới đây là một số cách bạn có thể tạo ra môi trường làm việc kết hợp hấp dẫn giúp mức độ gắn kết nhân viên cao hơn:

  • Điều chỉnh chính sách làm việc kết hợp phù hợp với nhu cầu riêng của tổ chức. Nó không nhất thiết phải tuân theo khuôn mẫu của các tổ chức khác đã áp dụng. Cho phép nhân viên của bạn tham gia vào quá trình ra quyết định về chính sách làm việc kết hợp.
  • Cho phép nhân viên linh hoạt lựa chọn ngày làm việc tại văn phòng. Sự linh hoạt là lợi ích lớn nhất của hình thức làm việc từ xa – tương tự trong môi trường làm việc kết hợp – và nâng cao mức độ gắn kết của nhân viên.
  • Thiết lập các chỉ số về hiệu suất và kỳ vọng rõ ràng đối với nhân viên làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng, nhấn mạnh kết quả qua số giờ làm việc hoặc địa điểm.
  • Đào tạo các nhà quản lý để dẫn dắt hiệu quả nhóm làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng, nhấn mạnh sự đồng cảm, giao tiếp và quản lý hiệu suất.

Ngoài những điều trên, hãy liên tục đánh giá hiệu quả của mô hình làm việc kết hợp của bạn thông qua các vòng lặp phản hồi. Thay đổi chính sách (nếu cần) để tối đa hóa mức độ gắn kết và năng suất.

2. Nhiều tổ chức sẽ sử dụng các chương trình cố vấn để phát triển kỹ năng

Khảo sát L&D Global Sentiment năm 2022 của Donald H Taylor cho thấy, cố vấn đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các tổ chức. Cuộc khảo sát này đã được thực hiện hàng năm kể từ năm 2014.

Các chương trình cố vấn và huấn luyện đã xuất hiện trong danh sách vào năm 2020 và đã vươn lên vị trí thứ tư, trong đó đào tạo lại kỹ năng (reskilling), học tập xã hội (social learning) và giao tiếp cá nhân hóa (personalized delivery) chiếm ba vị trí hàng đầu. Trong tương lai gần, các chương trình ​​cố vấn sẽ phát triển để hỗ trợ phát triển nghề nghiệp và xây dựng kỹ năng, tăng cường sự gắn kết của nhân viên bằng cách cung cấp sự hướng dẫn và hỗ trợ.

Các chương trình cố vấn thúc đẩy ý thức cộng đồng và sự hỗ trợ giữa các nhân viên, kết quả là mức độ hài lòng trong công việc cao hơn và giảm tỷ lệ thôi việc. Khoảng 90% người lao động có người cố vấn hài lòng với công việc của họ và tin rằng những đóng góp của họ được đồng nghiệp đánh giá cao. Sự hài lòng cao hơn mang lại lòng trung thành, tỷ lệ giữ chân nhân viên và năng suất cao hơn.

Bắt đầu chương trình cố vấn tại tổ chức của bạn theo các bước sau:

  • Đặt mục tiêu rõ ràng cho chương trình cố vấn của bạn. Ví dụ: ‘Để nâng cao kỹ năng lãnh đạo của những nhân viên có tiềm năng (người được cố vấn) trong tổ chức của chúng tôi thông qua một chương trình cố vấn có cấu trúc trong 12 tháng tới.’
  • Xác định các tiêu chí dành cho người cố vấn (mentor) và người được cố vấn (mentee). Ví dụ: người cố vấn có thể là bất kỳ ai có hơn 5 năm kinh nghiệm và thường xuyên đạt thành tích cao trong một vai trò cụ thể. Người được cố vấn có thể là bất cứ ai có ít hơn hai năm kinh nghiệm.
  • Cung cấp các buổi đào tạo dành cho người cố vấn về các kỹ thuật cố vấn hiệu quả.
  • Xác định tần suất và hình thức của các cuộc họp (ví dụ: các phiên họp trực tiếp hoặc trực tuyến hàng tháng).
  • Xây dựng agenda hoặc chủ đề thảo luận để định hướng các cuộc trò chuyện trong quá trình cố vấn.
  • Cung cấp các nguồn lực, công cụ hoặc biểu mẫu mà người cố vấn và người được cố vấn có thể sử dụng trong suốt hành trình cố vấn của họ.
  • Sử dụng phần mềm hoặc nền tảng cố vấn để giao tiếp thuận tiện hơn.

Hiện tại, chỉ có 40% người lao động có người cố vấn. Hãy áp dụng các bước kể trên và giúp tổ chức của bạn có được lợi thế hơn so với những tổ chức khác bằng cách bắt đầu một chương trình cố vấn.

3. Sự đa dạng, bình đẳng, hòa nhập và thuộc về (DEIB) sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu

Các tổ chức sẽ ngày càng ưu tiên các sáng kiến ​​đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (DEI) để đạt được sự gắn kết cao của nhân viên vì nhân viên thích nơi làm việc đa dạng và hòa nhập. 76% người tìm việc coi lực lượng lao động đa dạng là yếu tố chính khi đánh giá các công ty và lời mời làm việc.

Bằng cách áp dụng DEIB, các tổ chức tạo ra một môi trường nơi mọi nhân viên đều cảm thấy có giá trị, được lắng nghe và trao quyền, tạo nên cảm giác thân thuộc và làm việc có mục đích. Các nền văn hóa hòa nhập thúc đẩy sự đổi mới, khuyến khích hợp tác và khai thác thế mạnh riêng biệt của mỗi cá nhân. Đó là lý do các tổ chức sẽ tiếp tục đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào các sáng kiến ​​DEI. Thị trường DEI toàn cầu hiện có giá trị 9,3 tỷ USD và dự kiến ​​sẽ tăng lên 15,4 tỷ USD vào năm 2026.

Đây là cách bạn có thể bắt đầu các sáng kiến ​​DEI tại công ty của mình:

  • Bắt đầu bằng cách đảm bảo sự đồng thuận từ lãnh đạo cấp cao, vì cam kết của họ rất quan trọng đối với sự thành công của các sáng kiến ​​DEI. Lãnh đạo nên ủng hộ sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, tạo nên tinh thần chung cho toàn bộ tổ chức.
  • Tiến hành đánh giá toàn diện về bối cảnh đa dạng hiện tại của bạn, bao gồm nhân khẩu học, chính sách và thực hành. Thu thập dữ liệu về trải nghiệm và nhận thức của nhân viên để xác định các phần cần cải thiện.
  • Phát triển và thực hiện các chương trình đào tạo đa dạng và hòa nhập cho tất cả nhân viên, bao gồm cả lãnh đạo. Các chương trình này cần nâng cao nhận thức, sự nhạy cảm và các kỹ năng cần thiết để khuyến khích một nền văn hóa hòa nhập.
  • Đánh giá và sửa đổi các chính sách, thủ tục hiện có để đảm bảo chúng phù hợp với mục tiêu của DEI. Hãy cân nhắc triển khai các phương pháp tuyển dụng toàn diện, trả lương theo đánh giá bình đẳng và tìm kiếm nguồn nhân tài đa dạng.
  • Thành lập các ERG (Employee Resource Group – Nhóm nguồn lực nhân viên) hoặc các nhóm chung sở thích để cung cấp cho nhân viên không gian an toàn để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Các nhóm này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các sáng kiến ​​DEI và thúc đẩy sự hòa nhập trong toàn tổ chức.

17% nhân viên tin rằng các nhà lãnh đạo không thường xuyên trao đổi về DEI. Đảm bảo bạn truyền đạt các chính sách DEI một cách rõ ràng và đặt ra các cột mốc quan trọng cũng như số liệu rõ ràng để định lượng sự thành công của các sáng kiến.

4. Các chương trình phúc lợi cho nhân viên sẽ mở rộng để tiếp cận một cách toàn diện

Các tổ chức đang quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần và ngày càng nhận thức được tác động của sức khỏe tâm thần đối với sự gắn kết và năng suất của nhân viên. Trầm cảm và lo âu gây ra thiệt hại đáng kinh ngạc, khoảng 12 tỷ ngày làm việc hàng năm trên phạm vi toàn cầu, gây ra tác động đáng kể về kinh tế, lên tới 1 nghìn tỷ USD thiệt hại về năng suất mỗi năm. Trong năm 2023 và xa hơn nữa, các tổ chức sẽ dành nhiều nguồn lực hơn để thúc đẩy sức khỏe tổng thể tại nơi làm việc.

Sức khỏe tổng thể là một cách tiếp cận toàn diện để đạt được hạnh phúc, bao gồm tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của một cá nhân, trong đó có sức khỏe thể chất, tinh thần, cảm xúc, xã hội và thậm chí cả sức khỏe tâm hồn. Đảm bảo chương trình chăm sóc sức khỏe của bạn bao gồm những điều sau:

  • Cung cấp các nguồn lực về sức khỏe tâm thần, tiếp cận các chương trình tư vấn và quản lý căng thẳng để giảm bớt các yếu tố gây căng thẳng tại nơi làm việc và nâng cao sức khỏe tinh thần.
  • Cung cấp các nguồn lực và đào tạo về tài chính, chẳng hạn như hội thảo về lập ngân sách, đầu tư và lập kế hoạch nghỉ hưu, để giảm bớt những lo lắng về tài chính, nâng cao phúc lợi tổng thể và tăng cường sự tập trung của nhóm bạn vào các nhiệm vụ liên quan đến công việc.
  • Đầu tư vào các khóa đào tạo và hội thảo về trí tuệ cảm xúc để giúp nhân viên phát triển khả năng tự nhận thức, sự đồng cảm và kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân, mang lại sự hợp tác tốt hơn, giảm xung đột và tăng cường sự gắn kết.
  • Khuyến khích sắp xếp công việc linh hoạt, đặt ra kỳ vọng hợp lý về giờ làm việc và tạo cơ hội cho nhân viên ngắt kết nối. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng kiệt sức và duy trì sự gắn kết.
  • Hỗ trợ nhân viên bằng cách cung cấp các chương trình sức khỏe thể chất, tiếp cận các dịch vụ kiểm tra sức khỏe và tổ chức các trò chơi thử thách về sức khỏe. Những nhân viên khỏe mạnh sẽ có nhiều năng lượng hơn và được trang bị tốt hơn để gắn kết với công việc của họ.

Đầu tư vào các chương trình hỗ trợ nhân viên (EAP) vì chúng cung cấp nhiều nguồn lực khác nhau, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần, tư vấn tài chính, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Việc cung cấp các chương trình hỗ trợ nhân viên thể hiện cam kết của tổ chức đối với sức khỏe tổng thể và có thể là nguồn lực quý giá cho những nhân viên đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau.

5. Các nhà quản lý nhân sự sẽ tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm của nhân viên hỗ trợ bởi AI

Các công ty có tư duy tiến bộ đang chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như một công cụ để tăng cường sự gắn kết và tạo ra trải nghiệm nhân viên có ý nghĩa, cá nhân hóa hơn. Một cuộc khảo sát gần đây của Gartner cho thấy, 52% nhà quản lý nhân sự đặt mục tiêu sử dụng AI tạo sinh để nâng cao trải nghiệm của nhân viên.

Nhân viên khao khát có được những trải nghiệm cá nhân hóa phù hợp với kỳ vọng, kỹ năng và sức khỏe của riêng họ. AI có thể phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, bao gồm các chỉ số về hiệu suất, phản hồi và sở thích cá nhân, để tạo ra trải nghiệm phù hợp cho từng nhân viên. Bằng cách đó, nó giải quyết được nhu cầu đa dạng của lực lượng lao động, giúp các hoạt động ​​gắn kết trở nên phù hợp, có tác động và thu hút hơn. Sử dụng các insight dựa trên dữ liệu và AI cho những mục đích sau:

  • Cung cấp các chương trình phúc lợi cá nhân hóa bằng cách cho nhân viên cơ hội phân bổ một phần phúc lợi của họ vào các chương trình bảo hiểm y tế, tài khoản tiết kiệm hưu trí, chương trình chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chăm sóc con cái hoặc thời gian nghỉ phép có lương bổ sung.
  • Đầu tư vào hệ thống quản lý học tập (LMS) dựa trên AI để đề xuất các khóa học và cơ hội phát triển dựa trên hồ sơ, vị trí công việc và mục tiêu nghề nghiệp của nhân viên. Khuyến khích học tập liên tục.

Một số tổ chức đang sử dụng dữ liệu cá nhân, như hồ sơ sức khỏe điện tử, để thiết kế các gói phúc lợi phù hợp, có thể dẫn đến những lo ngại về quyền riêng tư. Mô hình của Đại học Stanford sử dụng dữ liệu sức khỏe của nhân viên để lựa chọn nhà cung cấp phúc lợi sức khỏe tốt nhất, trong khi John Hancock cung cấp bảo hiểm được liên kết với dữ liệu Apple Watch và Fitbit. Nếu bạn cũng có suy nghĩ tương tự, hãy đảm bảo rằng nhân viên của bạn cảm thấy thoải mái với việc dữ liệu của họ được sử dụng để cá nhân hóa trải nghiệm và quyền riêng tư của mình được tôn trọng.

6. Nhân viên vẫn sẽ yêu thích các công việc có mục tiêu hơn

Nhân viên hiện đại ngày càng bị thu hút bởi những tổ chức phù hợp với giá trị và mục tiêu cá nhân của họ. Trong một cuộc khảo sát, 84% chuyên gia cho biết, họ chỉ muốn làm việc cho các tổ chức hoạt động có mục tiêu. Trong một nghiên cứu khác, 82% cho biết điều quan trọng là người chủ doanh nghiệp của họ phải có mục tiêu.

Động lực hướng tới công việc có mục tiêu (purpose-driven work) không chỉ đơn thuần là tìm kiếm sự hài lòng trong công việc mà còn thể hiện một sự chuyển dịch phổ biến hơn hướng tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và những đóng góp có ý nghĩa cho xã hội. Bằng cách nắm bắt mục đích, phù hợp với các mục tiêu xã hội và tích cực thu hút sự tham gia của nhân viên, các tổ chức có thể tạo ra một nơi làm việc thu hút, giữ chân và trao quyền cho những cá nhân đam mê. Dưới đây là những gì bạn có thể làm để tạo ra văn hóa hướng tới mục tiêu trong tổ chức của mình:

  • Trình bày rõ ràng các giá trị cốt lõi và sứ mệnh của công ty bạn. Hãy đảm bảo rằng chúng phản ánh các nguyên tắc phù hợp với lực lượng lao động của bạn và các mối quan tâm xã hội rộng lớn hơn.
  • Xác định các mục tiêu hoặc sáng kiến ​​xã hội phù hợp với giá trị của bạn và có thể được tích hợp vào chiến lược của công ty. Chọn những mục tiêu như tính bền vững của môi trường, công bằng xã hội, các hoạt động liên quan đến cộng đồng hoặc những mục tiêu khác thực sự quan trọng đối với nhân viên của bạn.
  • Hãy minh bạch về những nỗ lực của tổ chức đối với công việc có mục tiêu. Truyền đạt các sáng kiến, tiến độ và tác động của bạn cả trong nội bộ và bên ngoài. Hãy tự chịu trách nhiệm về những cam kết của mình.
  • Thu hút nhân viên tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến nguyên nhân hỗ trợ hoặc cách đóng góp. Khuyến khích hoạt động tình nguyện và tạo cơ hội cho nhân viên tích cực tham gia vào các sáng kiến ​​có mục tiêu.

Thiết lập KPI để đo lường tác động của các sáng kiến ​​hướng đến mục tiêu của bạn. Kỷ niệm các cột mốc quan trọng và chia sẻ những câu chuyện thành công để củng cố cam kết của bạn đối với công việc có ý nghĩa.

7. Các công ty sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho nhân viên

Tổng số kỹ năng cần thiết cho một công việc đang tăng lên 10% mỗi năm. Với việc tăng cường sử dụng tự động hóa và AI, bộ kỹ năng chung cần thiết cho các công việc khác nhau đang thay đổi nhanh chóng. Đó là lý do các công ty sẽ đầu tư vào các chương trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để chuẩn bị cho nhân viên trong tương lai và đảm bảo sự gắn kết lâu dài. Việc học hỏi và nâng cao kỹ năng liên tục là điều không thể thiếu để giữ chân và gắn kết nhân viên khi họ tìm kiếm cơ hội phát triển.

65% nhân viên thích những nhà tuyển dụng cung cấp cơ hội nâng cao kỹ năng và 48% sẽ chuyển sang công việc mới nếu có cơ hội đào tạo kỹ năng tốt hơn. Điều này cho thấy nhân viên đang quan tâm hơn bao giờ hết khi kỹ năng của họ trở nên lỗi thời và muốn làm việc với những nhà tuyển dụng đầu tư vào đào tạo và phát triển. Đây là những gì bạn có thể làm để nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho nhân viên của mình:

  • Bắt đầu bằng cách tiến hành đánh giá kỹ lưỡng về kỹ năng và năng lực hiện tại của nhân viên, sau đó so sánh với các kỹ năng cần thiết cho vai trò của họ và nhu cầu của công ty trong tương lai.
  • Lập kế hoạch học tập riêng cho mỗi nhân viên dựa trên khoảng cách kỹ năng và nguyện vọng nghề nghiệp của họ. Cung cấp phương pháp đào tạo kết hợp, bao gồm các khóa học trực tuyến, hội thảo, đào tạo tại chỗ và cố vấn.
  • Triển khai hệ thống quản lý học tập (LMS) và các công cụ khác để cung cấp và theo dõi hoạt động đào tạo hiệu quả. Sử dụng các nền tảng dựa trên AI để tạo trải nghiệm học tập cá nhân hóa.
  • Xây dựng văn hóa học tập liên tục, nơi nhân viên được khuyến khích tìm kiếm cơ hội phát triển kỹ năng. Ghi nhận và khen thưởng những thành tựu và cột mốc quan trọng.
  • Thiết lập KPI để đánh giá tác động của các sáng kiến ​​nâng cao/đào tạo lại kỹ năng của bạn. Thường xuyên đánh giá mức độ phù hợp của các kỹ năng được đào tạo và điều chỉnh các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngày càng phát triển của bạn.

Hơn 60% nhà quản lý nhân sự sử dụng các sáng kiến ​​đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để giữ chân nhân viên và bù đắp nhu cầu tuyển dụng bên ngoài. Bắt đầu các sáng kiến ​​đào tạo lại kỹ năng để thúc đẩy mức độ gắn kết cao hơn và giúp tổ chức của bạn thích nghi tốt với những thay đổi trong tương lai.

8. Sự gắn kết dựa trên công nghệ sẽ trở thành tiêu chuẩn

Các ứng dụng gắn kết nhân viên và các giải pháp dựa trên AI đang ngày càng nổi bật và việc sử dụng chúng để đạt được mức độ gắn kết cao sẽ trở nên phổ biến hơn.

Các ứng dụng như Bitrix24, 15Five, WorkDay, Lattice và BambooHR được sử dụng rộng rãi để quản lý con người trong nhiều ngành nghề. Những công cụ này cung cấp một nền tảng tập trung để nhân viên truy cập thông tin công ty, gửi phản hồi và tham gia vào các sáng kiến ​​gắn kết. Nhiều công cụ trong số này hoạt động với các chatbot do AI điều khiển để cung cấp câu trả lời tức thì cho các truy vấn phổ biến, nâng cao trải nghiệm của nhân viên.

Với sự bùng nổ của AI tạo sinh gần đây, chúng ta sẽ nhận thấy rằng AI đang ngày càng được sử dụng nhiều trong việc phân tích dữ liệu gắn kết. Ngày càng có nhiều mô hình AI sẽ được đào tạo để cung cấp những insight có giá trị thực tiễn nhằm giúp các tổ chức đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu để nâng cao chiến lược gắn kết nhân viên.

Dưới đây là cách bạn có thể sử dụng công nghệ để thúc đẩy mức độ gắn kết của nhân viên cao hơn:

  • Thu thập dữ liệu thông qua bài kiểm tra và khảo sát cảm xúc nhịp tim của nhân viên, đồng thời nhận phản hồi của họ về quy trình, công cụ và văn hóa nơi làm việc. Đồng thời theo dõi năng suất, chất lượng công việc, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ, khả năng tiếp thu kỹ năng,…
  • Phân tích dữ liệu này để thực hiện phân tích cảm xúc của nhân viên, xác định xu hướng, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn và điều chỉnh các chiến lược gắn kết của bạn.
  • Sử dụng các giải pháp dựa trên AI để tạo trải nghiệm cá nhân hóa cho nhân viên. Ví dụ: sử dụng hệ thống quản lý học tập được hỗ trợ bởi AI hoặc tận dụng trợ lý nội dung “nhãn trắng” (white label) để cung cấp nội dung, tài nguyên và đề xuất tùy chỉnh cho nhân viên của bạn dựa trên sở thích và nhu cầu cá nhân của họ.
  • Sử dụng nền tảng ảo để tổ chức các sự kiện dành cho nhân viên, hoạt động team-building và hội nghị tương tác nhằm kết nối các nhân viên làm việc từ xa và nhân viên làm việc kết hợp.

Bạn có thể sử dụng bộ dữ liệu và đào tạo AI của riêng mình hoặc sử dụng các giải pháp sẵn có như WorkBuzz hoặc LeenaAI để hiểu rõ hơn về hành vi của nhân viên và nâng cao mức độ gắn kết.

9. Nơi làm việc bền vững sẽ trở nên phổ biến

Theo khảo sát của IBM, cứ 3 người lao động thì có 2 người thích ứng tuyển tại các công ty bền vững. Nhân viên sẽ tiếp tục ưu tiên những nơi làm việc có chính sách bền vững với môi trường trong năm 2023 và xa hơn nữa, đồng thời khuyến khích các công ty áp dụng các hành động và giá trị thân thiện với môi trường.

Các hoạt động bền vững tại nơi làm việc phù hợp với các giá trị của lực lượng lao động có ý thức về xã hội và môi trường. Nhân viên, đặc biệt là thế hệ gen Y và gen Z, đang ngày càng tìm kiếm những nhà tuyển dụng có giá trị phù hợp với họ. Khi một tổ chức thể hiện cam kết về tính bền vững, sẽ thu hút những nhân viên ủng hộ các giá trị này, từ đó tạo ra một lực lượng lao động gắn kết và giàu động lực hơn.

  • Thiết kế lại không gian làm việc để kết hợp các tính năng bền vững, bao gồm hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, các chương trình giảm thiểu lãng phí và thiết bị văn phòng thân thiện với môi trường.
  • Đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió để giảm lượng khí thải carbon.
  • Cung cấp chương trình đào tạo về thực hành bền vững và tầm quan trọng của chúng. Giúp nhân viên hiểu hành động cá nhân của họ đóng góp như thế nào vào mục tiêu bền vững của tổ chức.

Thu hút nhân viên tham gia vào các sáng kiến ​​bền vững bằng cách thành lập các nhóm liên chức năng, thành lập ủy ban xanh và khuyến khích chia sẻ ý tưởng. Nhân viên thường có các insight có giá trị về những cải tiến bền vững.

10. Các gói phúc lợi sáng tạo sẽ được chấp nhận rộng rãi

Các công ty sẽ đưa ra những phúc lợi sáng tạo như giờ làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc con cái và các chính sách thân thiện với thú cưng để thu hút và giữ chân nhân tài. Các công ty có tư duy tiến bộ nhận ra rằng, chỉ phúc lợi truyền thống thôi là không còn đủ để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng đa dạng của lực lượng lao động. Các gói phúc lợi sáng tạo vượt xa các kế hoạch bảo hiểm y tế và hưu trí, cung cấp các đặc quyền độc đáo và các lựa chọn phù hợp với lối sống và sở thích cá nhân.

  • Thu thập phản hồi thông qua các khảo sát để hiểu nhu cầu và sở thích của nhân viên. Xác định những lĩnh vực mà phúc lợi truyền thống bị thiếu hụt và những dịch vụ bổ sung nào sẽ có giá trị.
  • Bao gồm hỗ trợ sức khỏe tâm thần, nguồn lực quản lý căng thẳng cũng như các chính sách khuyến khích về sức khỏe và thể chất.
  • Cung cấp các chương trình hiểu biết về tài chính, hỗ trợ vay vốn cho sinh viên hoặc tiếp cận các cố vấn tài chính để giúp nhân viên của bạn quản lý tài chính hiệu quả.
  • Cung cấp các khoản trợ cấp làm việc từ xa, cơ sở chăm sóc trẻ em tại chỗ và thời gian nghỉ phép nuôi con kéo dài nếu có thể.

Liên tục đánh giá hiệu quả của các gói phúc lợi sáng tạo của bạn thông qua phản hồi của nhân viên và chỉ số gắn kết. Thực hiện các điều chỉnh khi cần thiết để đảm bảo chúng luôn hấp dẫn và hữu ích.

Tác giả: Matthew Reeves – CEO Together

Nguồn tham khảo: https://www.togetherplatform.com/blog/10-employee-engagement-trends-to-watch-in-2024-tips

Bài viết liên quan: