Không ngừng hoàn thiện bản thân và hành trình trở thành nhà lãnh đạo phục vụ
“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”. Chúng ta càng tạo ra nhiều giá trị cho những người xung quanh, chúng ta càng thành công. Hãy cùng theo dõi câu chuyện của anh Nguyễn Đức Tuấn – Technical Leader, Haposoft để khám phá hành trình trở thành nhà lãnh đạo phục vụ bằng cách xây dựng thói quen học tập liên tục cho bản thân.
Với vai trò là Technical Leader tại Haposoft, anh Nguyễn Đức Tuấn phụ trách các công việc chuyên môn như: review, giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong dự án, thiết kế hệ thống, xây dựng infra, phản biện về các giải pháp, đào tạo kỹ thuật cũng như các công việc quản lý bao gồm: lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi quá trình thực hiện dự án, cải tiến quy trình, huấn luyện và truyền cảm hứng cho các thành viên trong team.
Với định hướng trở thành nhà lãnh đạo theo phong cách phục vụ, anh kỳ vọng có thể phát triển tối đa năng lực kỹ thuật của các bạn trong công ty để thực hiện các dự án thành công, giúp tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng.
Tuy nhiên, anh Tuấn tự nhận thấy bản thân vẫn còn khá nhiều thiếu sót và luôn nỗ lực học hỏi không ngừng để khắc phục những điểm yếu về kỹ năng quản lý và huấn luyện đội ngũ.
Anh tâm sự: Thời gian đầu mới đảm nhận công việc quản lý là thời điểm ngộp nhất, lúc nào mình cũng cảm thấy không có đủ thời gian để làm gì hết, đến công ty là chỉ có đi họp thôi. Lúc đó, mình vừa phải làm task trong dự án, vừa phải quản lý 2 dự án chạy song song: 1 dự án làm Project Manager truyền thống, 1 dự án làm Scrum Master. Đặc biệt, đó là lần đầu tiên mình thử sức với vai trò Scrum Master mà Scrum Master thì phải đi họp nhiều, sự kiện nào mình cũng phải tham gia hết.
Hay đối với công việc liên quan đến huấn luyện đội ngũ, anh chia sẻ: Ngày xưa khi các bạn trong team gặp vấn đề thì mình sẽ lao vào tìm cách giải quyết để dự án chạy luôn vì nếu mình làm thì rất nhanh, chỉ mất 1-2 giờ thôi, còn nếu để các bạn tự tìm hiểu giải quyết thì có khi phải mất 1-2 ngày. Nhưng đến dự án tiếp theo lại gặp vấn đề y chang như vậy thì mình lại phải nhảy vào.
Được công ty cử đi học NeoManager là một bước ngoặt trong công việc quản lý của anh Tuấn. Anh kỳ vọng khóa học sẽ giúp mình giải quyết các vấn đề về nâng cao hiệu suất cá nhân, có phương pháp quản lý nhóm hiệu quả và xây dựng được thói quen học tập liên tục cho bản thân.
Để trở thành một nhà quản lý hiệu quả thì trước hết bản thân phải là một cá nhân có hiệu suất cao. Chính vì vậy, anh chú trọng hình thành thói quen học tập liên tục để gia tăng hiệu suất của bản thân. Hiện tại, anh vẫn duy trì thói quen đọc sách và lịch tự học vào buổi tối, đồng thời tham gia khóa học về kỹ thuật trên Udemy.
Anh Tuấn cũng bắt đầu học cách quản lý thời gian hiệu quả thông qua các công cụ, kỹ thuật đơn giản mà hiệu quả như: sắp xếp công việc trên Calendar, lập kế hoạch theo Ma trận Eisenhower dựa trên mức độ quan trọng và deadline, Pomodoro và đánh bay sự trì hoãn bằng cách bẻ nhỏ công việc đến mức thấp nhất có thể. Vì việc lớn, việc khó chúng ta thường hay trì hoãn, còn những việc nhỏ, làm được ngay thì không trì hoãn nữa.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh Tuấn trong khóa học là thử nghiệm sử dụng công cụ 360 độ để thu thập phản hồi của mọi người về bản thân thông qua các khía cạnh như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch & tổ chức, chất lượng công việc & khả năng giải quyết vấn đề, tính chuyên nghiệp & liêm chính, mức độ tin cậy, làm việc nhóm, điểm mạnh & điểm cần cải thiện.
Anh hào hứng chia sẻ: Lần đó, mình đi hỏi từ Giám đốc đến các trưởng phòng và các bạn nhân viên thì có được 1 bảng phản hồi 360 độ. Qua đó mình biết được điểm mạnh, điểm yếu, cảm nhận của mọi người về mình, thậm chí nhiều điểm mà chính mình không nhận ra. Mình đã dựa vào bảng phản hồi này để đặt OKR cá nhân trong Quý tới cũng như cung cấp đến mọi người trải nghiệm dịch vụ khách hàng nội bộ tốt hơn.
Ngoài ra, anh Tuấn cũng đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ. Anh phát hiện ra rằng để có thể trao quyền cho nhân viên thì các bạn phải có một nền tảng về kiến thức và kỹ năng đủ tốt. Nếu làm tốt bài toán huấn luyện cho đội ngũ thì các bạn cũng tự tin hơn, còn mình cũng yên tâm hơn khi trao quyền, không sợ các bạn làm hỏng việc nữa.
Anh thú nhận: Trước đây mình thường tự giải quyết vấn đề cho nhanh, chứ không giúp cho các bạn nhân viên cũng có thể làm được. Sau này mới biết là do mình không biết cách đào tạo, huấn luyện.
Hiện tại khi gặp vấn đề mình sẽ tìm kiếm các thông tin liên quan, sau đó hướng dẫn các bạn tự giải quyết và báo cáo lại kết quả định kỳ hoặc để các bạn viết thành tài liệu chung. Gần đây mình cũng đứng ra tổ chức chuỗi seminar chuyên môn định kỳ 2 tuần/lần cho nhóm để các thành viên trong nhóm học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Anh hồ hởi chia sẻ bản thân không còn “sợ” khi được giao quản lý dự án mới nữa, trái lại cảm thấy khá hào hứng khi bắt đầu một dự án mới để thử nghiệm các kiến thức đã học.
Mình đã học được cách quản lý qua Scrum, thử nghiệm làm Scrum Master, thử nghiệm các bước thiết lập đội nhóm như sử dụng Team Canvas ngay khi bắt đầu dự án để hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu cũng như mục đích tham gia nhóm của từng thành viên,… hay cách đánh giá hiệu suất của nhóm thông qua 5 giai đoạn phát triển: hình thành, sóng gió, ổn định, hiệu suất cao, thoái trào. Ở mỗi giai đoạn lại có một phương pháp và cách xử lý khác nhau. Ví dụ, ở giai đoạn hình thành cần sự cởi mở thì nên tổ chức các buổi chia sẻ, seminar trong team để mọi người hiểu nhau hơn. Ở giai đoạn sóng gió thì phải tìm cách giải quyết các vấn đề gây xung đột, biến những xung đột trở thành cơ hội để phát triển…
Anh Tuấn cũng tin rằng, lãnh đạo bằng cách làm gương là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để tác động tích cực lên người khác. Muốn mọi người cam kết thì mình phải là người cam kết trước, muốn các bạn đúng deadline thì mình cũng phải là người tuân thủ deadline.
Dẫu biết chặng đường phía trước vẫn còn khá nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với tinh thần ham học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân, anh Tuấn tự tin có thể thực hiện lý tưởng trở thành nhà lãnh đạo theo phong cách phục vụ trong tương lai.
Bài viết liên quan:
Khóa học liên quan:
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!