Hai cách tư duy về mục tiêu

Cách thứ nhất là dựa vào những gì hiện có, cộng thêm một chút tăng trưởng. Đã làm được 100 thì tăng thêm 30% thành 130, hoặc gấp đôi thành 200. Trong phần lớn trường hợp, chúng ta có thể cam kết với mục tiêu mới do có thể dự báo dựa trên kết quả của quá khứ.

Cách này có ít nhất hai vấn đề.
Thứ nhất, trong trường hợp thực tế đã thay đổi sau một sự kiện ‘thiên nga đen’ (như “bình thường mới” hay “thực tại mới” sau Covid19 chẳng hạn), ta khó lòng dự báo dựa trên dữ liệu cũ. Cách hoạch định này có thể dựa trên giả định sai lầm, và kế hoạch có thể sẽ không phát huy tác dụng.
Thứ nhì, có thể chúng ta sẽ không hài lòng với kết quả đã được hoạch định. Giả sử đạt được 200 vẫn lỗ, hoặc đã gấp đôi mà vẫn không được một vị thế nào như mong muốn đã xác định. Tức là không hiện thực hóa được “điều quan trọng”. Cái thực sự mong muốn phải là một sự đột phá có ý nghĩa, không phải là tăng trưởng 30%, hay tăng trưởng gấp đôi.
Cái đó là “điều quan trọng”. Điều quan trọng là phải đủ lớn, đủ đậm đà, đủ hương vị, đủ ý nghĩa.
Peter Drucker nói: không có gì tệ hơn là cứ làm việc hiệu suất cao hướng đến mục tiêu sai. Đặt mục tiêu 200, rồi đạt 100% với chi phí trong tầm kiểm soát với thời gian ấn định, là siêu hiệu quả nhưng sai. Mấu chốt là phải làm điều đúng đắn , điều quan trọng (effectiveness) chứ không phải là hiệu suất (efficiency).

Cách thứ hai, tư duy những mục tiêu đột phá phải có sự tưởng tượng, trả lời điều gì là thực sự quan trọng (và trả lời được tại sao chúng ta phải phấn đấu vì điều đó), nó có thể khác rất xa vị trí hiện nay của ta. Bước tiếp theo khi lập kế hoạch phải giật ngược từ tương lai vừa tưởng tượng ra. Tức là, phải tưởng tượng tương lai trước, rồi cam kết với tương lai đó, và lên kế hoạch hành động từng bước tới tương lai đấy. Đấy là lối nghĩ từ tương lai. Lập kế hoạch hôm nay bắt đầu từ ngày mai.

Nếu không phải 200 thì là bao nhiêu? 1000 hay 10000? Cần phải xác định được một cột mốc thay đổi về chất. Có thể rất cao, rất xa nhưng phải làm như thế thì mới ‘sống được’, mới ‘bền’, mới ‘sướng’.

Ấn định một mục tiêu rồi thì sao? Phải tưởng tượng ra tất cả các các con đường khả thi đi đến tương lai ấy. Việc ấy có thể thất bại hoặc thành công, nhưng mục tiêu thì còn nguyên đấy là một điều quan trọng (và do đó, chúng ta sẽ phải đạt cho bằng được).

Tác giả: Dương Trọng Tấn

Bài viết liên quan: