Tiểu sử Peter Drucker – cha đẻ của ngành quản trị hiện đại

Peter Ferdinand Drucker (19 tháng 11 năm 1909 – 11 tháng 11 năm 2005) là chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị. Ông được coi là cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại và là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về quản trị. Trong đó nổi bật có thể kể đến cuốn Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21. Các công trình của ông dự đoán được nhiều diễn biến chính của cuối thế kỷ 20, bao gồm quá trình tư nhân hóa, phi tập trung hóa, sự trỗi dậy của Nhật Bản thành cường quốc kinh tế thế giới, tầm quan trọng của tiếp thị, sự xuất hiện của xã hội thông tin với nhu cầu học tập suốt đời và tầm quan trọng của những người tri thức trong xã hội đương đại và tương lai. 

peter-drucker-duoc-coi-la-cha-de-cua-quan-tri-kinh-doanh-hien-dai

Peter Drucker được coi là cha đẻ của quản trị kinh doanh hiện đại

Những đóng góp của ông được đánh giá rất cao. Tạp chí Financial Times (Thời báo Tài chính) đã bình chọn ông là một trong bốn nhà Quản lý bậc thầy của mọi thời đại (cùng với Jack Welch, Philip Kotler và Bill Gates).

Không phải tự nhiên Peter Drucker được đánh giá là một học giả vĩ đại của mọi thời đại, chuyên gia tư vấn quản trị hàng đầu với nhiều đóng góp quan trọng. Nếu nhìn vào cuộc đời ông, ta sẽ thấy ông đã cống hiến cả cuộc đời cho việc nghiên cứu, dạy học, viết và tư vấn quản trị. 

Những năm đầu đời

Peter Drucker sinh ngày 19 tháng 11 năm 1909 tại thủ đô Viên của Áo. Ông là con của hai tri thức Do Thái.

Mẹ của ông, Caroline (Bondi) Drucker là một sinh viên y khoa có hứng thú với tâm thần học.

Cha của ông, Adolph Bertram Drucker là một luật sư. 

Gia đình ông sống ở một ngôi làng nhỏ có tên là Kaasgraben (giờ đây là một phần của Vienna). 

Peter Drucker là anh cả trong gia đình và có một người em trai là Gerhard Drucker. Ngay từ nhỏ hai anh em nhà Drucker đã chứng kiến các cuộc họp mặt giữa các tri thức, các quan chức cấp cao của chính phủ và nhà khoa học diễn ra tại nhà mình. Trong đó, một số những cái tên nổi bật có thể kể đến như các nhà kinh tế người Áo Joseph Schumpeter, Ludwig von Mises và Friedrich von Hayek.

Không những vậy, cha mẹ của Drucker là những người ủng hộ nhiệt thành của nhà cải cách xã hội Eugenia Schwarzwald. Do đó, ngay từ khi ông học lớp 4, ông đã được ghi danh vào một trường giáo dục do Eugenia thành lập. Tại đây, ông thấm nhuần sự khéo léo, tôn trọng đối với từng công việc, giá trị của kỷ luật và cách thức để tổ chức công việc của mình. Có thể nói bên cạnh bà ngoại của Drucker, thì Eugenia chính là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của ông. 

Cuộc sống ở Đức

Sau khi tốt nghiệp trường trung học Döbling, Drucker đã nhận thấy có rất ít cơ hội việc làm ở Vienna, nên ông quyết định chuyển đến Hamburg, Đức. Ông đã học nghề tại một công ty xuất nhập khẩu bông. Ở đây, ông dành phần lớn thời gian của mình để đọc về văn học và lịch sử thế kỷ 19. Trong quá trình này, ông phát hiện ra tác phẩm của triết gia người Đan Mạch, Soren Kierkegaard, có ảnh hưởng to lớn đối với cuộc sống sau này của ông. 

Đây cũng là thời điểm ông đầu tư những nỗ lực đầu tiên trong ngành báo chí. Ông khởi đầu từ Österreichische Volkswirt. Đến năm 1928, ông chuyển đến Frankfurt, nơi ông tìm được việc làm tại Daily Frankfurter General Anzeiger. Tại đây, ông nhanh chóng vươn lên trở thành một trong ba biên tập viên của tờ báo. Mặc dù ông chịu trách nhiệm chính cho các chuyên mục kinh tế đối ngoại, nhưng ông vẫn được yêu cầu viết cho tất cả các chuyên mục từ phụ nữ đến âm nhạc. Công việc này đã giúp ông có được kinh nghiệm và kiến thức rộng. 

Năm 1931, ông lấy bằng tiến sĩ luật quốc tế và luật công tại Đại học Frankfurt. Ông ở lại Đức thêm hai năm. Là một nhà văn trẻ, Drucker đã viết hai tác phẩm—một về nhà triết học bảo thủ người Đức Friedrich Julius Stahl (1932) và một tác phẩm khác có tựa đề “Câu hỏi của người Do Thái ở Đức”—sau này đã bị Đức Quốc xã đốt và cấm.

Đến năm 1933, khi Hitler lên nắm quyền, Peter Drucker đã rời khỏi nước Đức và chuyển đến Anh. 

Cuộc sống ở Anh

Khi đến Luân Đôn vào năm 1933, Peter Drucker lần đầu tiên có được vị trí thực tập sinh tại một công ty bảo hiểm. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm chuyên gia kinh tế cao cấp tại một ngân hàng. 

Năm 1934, ông được giám đốc tài trợ để tham dự hội thảo Lord John Maynard Keynes, tại Cambridge; nhưng ông vô cùng thất vọng. Ông nói, trong khi Keynes chỉ quan tâm đến hành vi của hàng hóa, ông muốn tìm hiểu về hành vi của con người.

Cũng cùng thời kỳ đó, ông kết nối lại với Doris Schmitz, một người quen từ Đại học Frankfurt. Họ kết hôn vào năm 1934.

Cuộc sống ở Mỹ

Năm 1937, hai vợ chồng Drucker đến Hoa Kỳ, nơi ban đầu ông làm nhà báo tự do cho Harper. Đồng thời, ông bắt đầu đóng góp cho Washington Post và một vài ấn phẩm tài chính của Anh trước khi bắt đầu sự nghiệp học thuật với tư cách là giáo sư kinh tế tại Đại học Sarah Lawrence ở Bronxville, New York.

Sự nghiệp thực sự của ông với tư cách là một nhà văn tự do và nhà tư vấn kinh doanh bắt đầu khi ông xuất bản The End of Economic Man vào năm 1939.

Năm 1943, Drucker nhập quốc tịch Hoa Kỳ. 

Từ năm 1942 đến năm 1949, ông giảng dạy tại Đại học Bennington với tư cách là giáo sư triết học và chính trị, sau đó ông chuyển sang Đại học New York làm giáo sư quản trị từ năm 1950 đến năm 1971.

peter-drucker-da-tung-giang-day-tai-cac-truong-dai-hoc-uy-tin

Peter Drucker đã từng giảng dạy tại các trường đại học uy tín

Năm 1943, General Motors, tập đoàn lớn nhất thế giới thời điểm bấy giờ, đã mời Drucker về để thực hiện dự án tư vấn. Năm 1946, Drucker đã công bố kết quả của nghiên cứu này với tên Concept of the Corporation. Mặc dù quản lý hàng đầu của General Motors không mấy hài lòng, thậm chí cấm nó, vì nó đặt ra những thách thức đối với cơ quan quản lý của họ. Bất chấp những lời chỉ trích, cuốn sách đã đặt nền tảng của quản trị như một ngành khoa học. 

Năm 1950, Drucker được bổ nhiệm làm Giáo sư Quản trị tại Đại học New York, nơi ông ở lại cho đến năm 1971.

The Practice of Management (Thực hành quản trị) xuất bản năm 1954 là cuốn sách nổi tiếng đầu tiên của ông về quản trị. Ông mô tả nó là “nền tảng nhập môn.” 

Năm 1966, ông xuất bản cuốn sách kinh điển The Effective Executive (Nhà quản trị thành công).

the-effective-executive-cuon-sach-kinh-dien-cua-peter-drucker

The Effective Executive – Cuốn sách kinh điển của Peter Drucker

Năm 1971, Drucker chuyển đến California làm Giáo sư Khoa học Xã hội và Quản trị tại Đại học Claremont, sau đó được gọi là Trường đào tạo hệ sau đại học Claremont. Chính tại đây, ông đã thành lập một trong những chương trình MBA đầu tiên dành cho người đi làm tại Hoa Kỳ. Để vinh danh những đóng góp của ông, năm 1987, Trường quản trị của Đại học Claremont được đặt tên là Trường Quản trị đào tạo hệ sau đại học Peter F. Drucker (sau này được gọi là Trường Quản trị hệ sau đại học Peter F. Drucker và Masatoshi Ito). Năm 1999, ông thành lập Viện Drucker nhằm thúc đẩy các ý tưởng và lý tưởng của mình. 

Khi công tác tại trường, ông cho ra đời kiệt tác của mình, Management: Tasks, Responsibilities and Practices, xuất bản năm 1973. Và tiếp tục xuất bản các ấn phẩm quan trọng khác trong ba thập kỷ tiếp theo.

Những cuốn sách của ông được dịch sang hơn 30 thứ tiếng. Trong đó có, hai cuốn tiểu thuyết, một cuốn tự truyện, thậm chí ông còn là đồng tác giả của một cuốn sách về hội họa Nhật Bản. Ông cũng đã thực hiện loạt phim giáo dục về chủ đề quản trị. Ông là tác giả thường xuyên của một chuyên mục trên Wall Street Journal trong 20 năm và thường xuyên đóng góp cho Harvard Business Review, The Atlantic Weekly và The Economist. 

Ông cũng tiếp tục đóng vai trò là nhà tư vấn cho các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước cho đến tận những năm 90 tuổi. Nổi bật có thể kể đến các tập đoàn lớn như General Electric, Coca-Cola, Citicorp, IBM và Intel. 

Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã trao tặng Drucker Huân chương Tự do của Tổng thống vào ngày 9 tháng 7 năm 2002. Ông cũng nhận được các giải thưởng từ chính phủ Nhật Bản và Áo.

Ông gắn bó với Đại học Claremont cho đến những ngày cuối đời, lớp học cuối cùng của ông diễn ra vào năm 2002, khi ông 92 tuổi. Ngày 11 tháng 11 năm 2005, ông mất tại Claremont, California ở tuổi 95. Ông để lại vợ là bà Doris, 4 người con (ba con gái và một con trai) và 6 người cháu.

Tổng hợp:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Peter_Drucker 

https://vi.celeb-true.com/peter-drucker-austrian-american-management-consultant-academician 

https://www.newworldencyclopedia.org/entry/Peter_Drucker 

https://www.druckerforum.org/peter-f-drucker/druckers-childhood-and-youth-in-vienna/ 

https://blog.goalf.vn/tin-tuc/ly-thuyet-quan-ly-hien-qua-cua-peter-drucker.html 

Bài viết liên quan:

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *