Triết lí Inamori

Trong bài “12 nguyên lí quản trị Inamori”, chúng ta đã tìm hiểu một bộ quy tắc được ghi dưới dạng 12 nguyên lí quản trị của Inamori. Đó là những hướng dẫn cụ thể giúp nhà quản lí thực hành công việc quản lí của mình. Nhưng sẽ thiếu sót nếu chúng ta không tìm hiểu phần khác mang tính nền tảng hơn mà Inamori liên tục nhấn mạnh, nó là gốc của việc quản trị theo phong cách Inamori. Đó chính là triết lí.
Hệ thống triết lí thể hiện nhân sinh quan của Inamori về cuộc sống, về thế giới, và về công việc của nhà quản lí. Triết lí thể hiện cách nghĩ, cách định hướng việc làm, thể hiện thái độ đối với con người và công việc. Do vậy nó cũng định hướng cách vận hành một tổ chức.

Trong các cuốn sách của mình, Inamori không ngừng nói về triết lí. Theo ông, nền tảng của quản lí là triết lí, là thứ triết lí sinh ra từ thực tiễn, phải dễ hiểu, được phần lớn chấp nhận như là chân lí phổ quát.
Cuốn “Nghĩ thiện” hướng tới các độc giả trẻ nói về cách nghĩ tích cực và lương thiện, hướng thượng. Cuốn “Cách sống” không chỉ là những gợi cho cá nhân về cách làm việc, các tư duy trong công việc mà cả những định hướng về vai trò của con người trong tổng thể vũ trụ. Cuốn “Nuôi dưỡng tâm hồn mở rộng kinh doanh”, và “Thách thức từ con số 0” lại ghi nhận rõ hơn những trải nghiệm và cách tư duy của Inamori đối với công việc kinh doanh, vai trò nhà quản lí, “bí kíp lãnh đạo” và bổn phận cuối cùng của nhà quản lí.

Triết lí Inamori không ra đời từ lí thuyết mà từ chính cuộc sống, thông qua thực hành mà đối chiếu tính đúng đắn, và quay trở lại để giải quyết những tình huống xảy ra trong dời thực. Nó chính là một thứ minh triết thực hành (practical wisdom). Chúng ta có thể không tìm thấy ở đây một mô hình nào được vẽ ra rất tường minh dễ nhìn, cũng không thấy một sơ đồ nào dưới dạng “cẩm nang” kiểu step-by-step dễ nắm bắt. Cái chúng ta được tiếp cận thông qua các văn bản chính quy có thể chỉ là những gạch đầu dòng. Nhưng chúng đều là những “gạch đầu dòng” có giá trị thay đổi thực tại.
Dưới đây là những gạch đầu dòng của Inamori, cũng không ngắn lắm. Chúng được trích ra từ trang cá nhân và từ vài cuốn sách kể trên của Inamori.
Bạn thử nghĩ xem liệu chúng có hữu ích không.

tac-gia-inamori-kazuo

Tác giả Inamori Kazuo

Làm sao để có một cuộc sống tuyệt vời?

  1. Công thức cuộc đời: Thành quả của cuộc sống hoặc công việc = Thái độ x Nhiệt tình x Năng lực
  2. Nghĩ thế nào, cuộc đời ra thế ấy
  3. Hãy nuôi những giấc mơ đầy tham vọng, và bỏ toàn tâm toàn ý sống với giấc mơ ấy.
  4. Hãy xác định rõ mục đích sống. Mục đích cuối cùng là mài rũa tâm trí, mở rộng tâm hồn.
  5. Hãy sống đúng đắn với tư cách của một con người. Đừng quên những bài học được dạy từ tiểu học: không nói dối, trung tực, không lừa gạt người khác, không tham lam.
  6. Phục vụ những điều tốt đẹp hơn của nhân loại và thế giới với tâm thức vị tha.
  7. Sống phản tỉnh mỗi ngày, để xem xét từng hành vi, sửa lỗi và cải thiện.
  8. Sống nghiêm túc từng giây phút mỗi ngày.
  9. Sống với động cơ không ích kỉ, và đức hạnh.
  10. Sống với một trái tim thuần khiết.

Làm sao để để cải thiện công việc?

  1. Luôn yêu công việc của bạn, không kể đó là việc gì.
  2. Không nề hà những việc tẻ nhạt
  3. Luôn sáng tạo trong công việc
  4. Hãy là “trung tâm của cơn lốc” với sáng kiến và cam kết hết mình.
  5. Ra quyết định đúng đắn, không ích kỉ
  6. Bám sát hiện địa, hiện vật để giải quyết vấn đề
  7. Làm hết sức mình vì đồng nghiệp
  8. Không ngừng vươn tới sự hoàn hảo
  9. Chỉ mua những gì chúng ta thật cần, đúng lúc
  10. Nắm bắt vấn đề thật đơn giản, ngay cả khi đối mặt với những thứ phức tạp

Đâu là những phẩm chất căn cơ của nhà lãnh đạo?

  1. Làm điều đúng đắn với tư cách một con người
  2. Điều chỉnh và đồng bộ (align) được lối tư duy của mọi người
  3. Có mục tiêu cao
  4. Không nhân nhượng với sự bằng lòng với những thứ lặt vặt (small good)
  5. Đưa ra quyết định với một tâm thế vị tha
  6. Vừa táo bạo (bold) vừa tỉ mỉ (metilulous)
  7. Làm việc gì cũng có mục đích, tập trung toàn tâm toàn ý vào đó, dù là việc nhỏ.

Làm thế nào để nâng cao tâm hồn, và mở rộng kinh doanh?

  1. Luôn luôn vui vẻ
  2. Quản lý dựa trên sự gắn bó tâm trí con người với nhau
  3. Tối đa hóa doanh thu, tối thiểu hóa chi phí
  4. Định giá chính là quản lý
  5. Làm việc với lòng vị tha, vì người khác (ngay cả khi có được lợi ích riêng, cũng là để phục vụ người khác).
  6. Hãy biết ơn sự hỗ trợ từ những người xung quanh, đồng nghiệp, gia đình, khách hàng và cơ hội làm việc đang có.
  7. Có một đầu óc cởi mở
  8. Dự phóng khả năng của mình trong tương lai. Đặt mục tiêu vượt qua khả năng hiện tại.
  9. Luôn khiêm tốn
  10. Chọn một trái tim yêu thương, chân thành và hài hòa làm nền tảng sống và làm việc.

Làm thế nào để hoàn thành các mục tiêu mới?

  1. Bắt đầu từ việc nghĩ. Tư duy đến đâu, hiện thực đến đó.
  2. Duy trì một ham muốn hăng hái thấm vào tiềm thức của bạn
  3. Theo đuổi tiềm năng con người không giới hạn
  4. Suy nghĩ lạc quan, lên kế hoạch bi quan, và thực thi thật lạc quan
  5. Nâng cao tinh thần chiến đấu
  6. Khi bạn nghĩ rằng đã đến lúc phải từ bỏ, đó là khi công việc thực sự bắt đầu
  7. Không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi chúng ta thành công
  8. Sở hữu một tinh thần chiến đấu
  9. Thực hiện theo cách riêng của bạn
  10. Suy nghĩ thông suốt đến mức hình dung kết quả ngay trước mắt

Làm thế nào để rèn luyện bản thân?

  1. Khiêm tốn, không cao ngạo
  2. Luôn nỗ lực hằng ngày không thua bất kì ai
  3. Nhìn lại mình hằng ngày
  4. Cảm ơn đời sống chúng ta đang có
  5. Tích lũy, trau dồi những việc làm tốt, làm điều tốt cho mọi người
  6. Không lo lắng, suy nghĩ cảm tính, đào bới quá khứ

Làm sao để trở thành nhà lãnh đạo tuyệt vời?

  1. Mang đến hạnh phúc cho tổ chức
  2. Cải cách hiện trạng sáng tạo
  3. Thái độ khiêm tốn
  4. Chuẩn bị thước đo để đánh giá
  5. Thân tâm khỏe mạnh thì phán đoán chính xác
  6. Tự mài giũa bản thân

Làm sao để có được sự nể phục của cấp dưới?

  1. Thu phục lòng người bằng tâm trong sáng, không tư lợi, vì công ty, vì lợi ích chung
  2. Hy sinh bản thân để đem lại sự tin tưởng, can đảm đấu tranh với sai trái
  3. Thừa nhận sai lầm, nói lời xin lỗi
  4. Sát sao với hoạt động của nhân viên; tìm cách đáp ứng nguyện vọng của nhân viên và tìm cách chia sẻ điều muốn làm
  5. Luôn giữ mình như một ngọn lửa cháy để thổi lửa cho hoạt động của đơn vị, tiếp nguồn năng lượng
  6. Lấy tinh thần làm việc để thể hiện nhân cách
  7. Lưu ý đánh giá, tuyển dụng và thăng tiến
  8. Làm việc thiện (tiểu thiện: nuông chiều/đại thiện: nghiêm khắc bây giờ, lợi ích về sau lâu dài)
  9. Chính mình phải là người đáng tin, giữ cho mọi người tin cậy lẫn nhau
  10. Có tâm trong công việc, trái tim biết lắng nghe, biết thương yêu hằng ngày
  11. Thưởng cho người có công, bổ nhiệm người có đủ phẩm chất (đức)

Làm sao để để thúc đẩy nhân viên?

  1. Luôn coi nhân viên là đối tác (partner)
  2. Chủ động đạt lấy sự tôn trọng và ngưỡng mộ của nhân viên
  3. Trao đổi với nhân viên về tầm quan trọng của công việc của họ
  4. Có tầm nhìn rõ ràng
  5. Làm rõ mục đích và sứ mệnh của công ty
  6. Thường xuyên chia sẻ triết lí của mình với nhân viên
  7. Mở rộng tâm hồn và nhân cách của bản thân mình

Tác giả: Dương Trọng Tấn
Instructor, Chương trình NeoManager.

Bài viết liên quan:

Khóa học liên quan:

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *