Hiện nay trên thế giới có một ngành công nghiệp gọi là ngành công nghiệp lãnh đạo (leadership industry) rất phát triển với quy mô hàng chục tỷ đô. Ở đó có rất nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện, học tập dành cho nhà lãnh đạo với vô số lời hứa hẹn, lời mời chào hấp dẫn. Những lời hứa kiểu như: trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc, đỉnh cao, dẫn dắt đội nhóm chinh phục những mục tiêu vĩ đại, lớn lao, lột xác, thoát xác, hóa rồng… Rất nhiều mỹ từ, dệt mộng hay ho về lãnh đạo thông qua những chương trình đào tạo lãnh đạo như vậy.
Nghĩ chậm lại một chút thì thấy rằng, tất cả những lời hứa đó đều có vấn đề cả. Không khó để nhận ra điều đó bởi trong leadership thì leader chỉ là một vế, bảo rằng leader đi học về sẽ có leadership tốt thì hơi tự tin quá. Đã là leader thì phải có follower, có nhà lãnh đạo thì phải có người đi theo, hình thành nên một nhóm cùng chung mục tiêu. Mục tiêu càng lớn thì quá trình qua lại giữa nhà lãnh đạo và người đi theo cũng như giữa nhóm đó với các yếu tố bên ngoài càng phức tạp. Chúng ta thấy rằng ngay cả một cuộc dẫn dắt đơn giản như đi chơi thôi cũng đã rất phức tạp, huống hồ là dẫn dắt tổ chức chinh phục một mục tiêu lớn về kinh doanh, để biến thành một tổ chức có giá trị tỷ đô hoặc kiến tạo những thay đổi xã hội bền vững về sau. Rất nhiều yếu tố bên ngoài (môi trường tự nhiên, bệnh dịch, sự thay đổi khí hậu, thay đổi về con người, cơ cấu xã hội, tuổi tác, thế hệ,…) sẽ không để nhóm đứng yên một chỗ, cô lập, thích làm gì thì làm và chắc chắn ra kết quả.
Cho nên, về cơ bản, leadership phải được nhìn dưới dạng tư duy hệ thống thì mới hiểu đủ được, không thể hứa hẹn rằng nhà lãnh đạo chỉ cần đi học một khóa, dù là khóa học triệu đô, sẽ nắm được bí thuật về phát triển leadership, chắc chắn sẽ có được leadership tốt. Bởi leadership sẽ phải chịu tác động của các yếu tố bên ngoài cũng như mối quan hệ tương tác giữa leader và follower.