Bức tranh thị trường lao động toàn cầu giai đoạn 2023 – 2027

Ba năm qua đã được định hình bởi một sự kết hợp đầy thách thức của sự biến động về sức khỏe, kinh tế và địa chính trị, kết hợp với áp lực về sự phát triển xã hội và môi trường. Những chuyển đổi ngày càng nhanh này đã và đang tiếp tục tái cấu trúc thị trường lao động thế giới, đồng thời định hình nhu cầu về việc làm và kỹ năng của tương lai, thúc đẩy các quỹ đạo kinh tế khác nhau trong và giữa các quốc gia, ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thay đổi kỳ vọng của người lao động và người tiêu dùng, cũng như nhu cầu cấp thiết về chuyển đổi xanh và năng lượng cũng đang định hình lại thành phần của lực lượng lao động theo ngành và kích thích nhu cầu về nghề nghiệp và kỹ năng mới. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng phải nhanh chóng thích ứng với những thách thức về biến động địa chính trị ngày càng gia tăng, bất ổn kinh tế, lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao.

Báo cáo về tương lai của việc làm năm 2023 (Future of Jobs Report 2023) cung cấp cái nhìn sâu sắc về những quá trình chuyển đổi này và giải thích cách các doanh nghiệp kỳ vọng điều hướng những thay đổi về thị trường lao động này từ năm 2023 đến năm 2027.

Phân chia kết quả thị trường lao động giữa các nước thu nhập thấp, trung bình và cao

Các cuộc khủng hoảng kinh tế và địa chính trị đan xen trong ba năm qua đã tạo ra một tình trạng không chắc chắn và triển vọng khác nhau cho thị trường lao động, mở rộng sự chênh lệch giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi và cả giữa những người lao động. Ngay cả khi ngày càng có nhiều nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 và những đợt phong tỏa, thì các nước thu nhập thấp và trung bình thấp tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng, trong khi các nước có thu nhập cao thường trải qua tình trạng thị trường lao động khan hiếm.

Tại thời điểm công bố, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp trước đại dịch suốt ba quý ở các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và đa số các nền kinh tế thuộc G20 (Hình 1.1). Năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp 4,9% trên toàn khu vực OECD đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2001.

Ngược lại, nhiều nền kinh tế đang phát triển đã trải qua quá trình phục hồi thị trường lao động tương đối chậm sau những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Ví dụ, ở Nam Phi, tỷ lệ thất nghiệp chính thức đã tăng lên 30%, cao hơn 5% so với trước đại dịch (Hình 1.1). Các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc vào các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các “lệnh phong tỏa” định kỳ, chẳng hạn như khách sạn và du lịch, vẫn cho thấy sự phục hồi thị trường lao động chậm.

Sự phục hồi lại càng trở nên bất cân xứng hơn bởi năng lực khác nhau giữa các nước trong việc duy trì chính sách bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và duy trì mức độ việc làm. Trong khi các nền kinh tế phát triển có thể áp dụng các biện pháp sâu rộng  khác, các nền kinh tế mới nổi lại ít hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động dễ bị tổn thương nhất do khả năng tài chính hạn chế.

hinh-1-1-ty-le-that-nghiep-o-cac-nuoc-g20

Hình 1.1 Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước G20

Tỷ lệ thất nghiệp theo quý, 2018Q1–2022Q4

Vào năm 2022, nhiều chỉ số việc làm khác nhau cho thấy sự phục hồi thị trường lao động mạnh mẽ ở các nước có thu nhập cao, trong đó có nhiều lĩnh vực xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Ví dụ, ở châu Âu, trong quý 2 năm 2022, gần như cứ 3 trên 10 doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ báo cáo về những hạn chế trong sản xuất do thiếu nhân công. Các điều dưỡng chuyên nghiệp, thợ sửa ống nước và thợ lắp đường ống, lập trình viên, nhà phân tích hệ thống, thợ hàn, thợ nề và các công nhân liên quan, tài xế xe tải và xe tải hạng nặng là những ngành nghề đang cần nhất. 

Tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Bán lẻ và Bán buôn Hàng tiêu dùng báo cáo rằng, gần 70% vị trí tuyển dụng vẫn chưa tuyển được người, trong đó gần 55% vị trí còn trống trong lĩnh vực sản xuất và 45% trong lĩnh vực giải trí và khách sạn. Các doanh nghiệp cũng báo cáo những khó khăn trong việc giữ chân người lao động. Theo một cuộc khảo sát toàn cầu được thực hiện vào cuối năm 2022 trên 44 quốc gia, cứ năm nhân viên thì có một người cho biết họ có ý định chuyển đổi công ty trong năm tới.

hinh-1-2-tinh-trang-thieu-lao-dong-pho-bien-nhat-theo-nganh-nghe-nam-2022-o-chau-au

Hình 1.2 Tình trạng thiếu lao động phổ biến nhất theo ngành nghề năm 2022 ở Châu Âu

Số nền kinh tế ở Châu Âu báo cáo tình trạng thiếu lao động trong các ngành nghề hàng đầu, được nhóm theo nhóm công việc.

Phân chia mức độ việc làm theo giới tính, độ tuổi và trình độ học vấn

Trong thời kỳ đại dịch, phụ nữ bị mất việc làm nhiều hơn nam giới, và theo Báo cáo về khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn kinh tế thế giới, tỷ lệ bình đẳng giới trong lực lượng lao động ở mức 62,9% – mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi chỉ số này được tổng hợp lần đầu tiên. Đại dịch toàn cầu cũng tác động không tương xứng đến người lao động trẻ, với dự kiến chưa đến một nửa số việc làm của thanh niên toàn cầu được phục hồi vào cuối năm 2022. Như đã được nhấn mạnh trong Hình 1.3, số việc làm dành cho lao động trẻ bị thâm hụt nhiều nhất so với năm 2019 là ở Nam Á, Mỹ Latinh, Bắc Phi và Đông Âu, chỉ có Châu Âu và Bắc Mỹ có khả năng phục hồi hoàn toàn vào thời điểm công bố báo cáo. 

Trong năm 2020, những người lao động có trình độ học vấn cơ bản cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và việc phục hồi để tham gia thị trường lao động trước đây cũng rất chậm. Ở nhiều quốc gia, sự gia tăng tình trạng thất nghiệp từ năm 2019 đến năm 2021 của người lao động có trình độ học vấn cơ bản cao hơn gấp đôi so với người lao động có trình độ học vấn cao (Hình 1.4).

hinh-1-3-tham-hut-viec-lam-cua-thanh-nien-so-voi-nam-2019-theo-tieu-vung

Hình 1.3 Thâm hụt việc làm của thanh niên so với năm 2019, theo tiểu vùng

hinh-1-4-thay-doi-ty-le-that-nghiep-theo-nen-kinh-te-va-trinh-do-hoc-van-2019-2021

Hình 1.4 Thay đổi tỷ lệ thất nghiệp theo nền kinh tế và trình độ học vấn, 2019-2021

Tiếp cận bảo trợ xã hội

Từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 1 năm 2022, gần 3.900 biện pháp bảo trợ xã hội đã được thực hiện trên 223 nền kinh tế để hỗ trợ lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Những biện pháp này ước tính đã tiếp cận được gần 1,2 tỷ người trên toàn cầu. Trợ cấp lương, hỗ trợ về tiền mặt, các biện pháp đào tạo và mở rộng phạm vi bảo hiểm thất nghiệp đều là những công cụ quan trọng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch. Hầu hết các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn như vậy hiện đang ít dần và cần có các khoản đầu tư trung và dài hạn có mục tiêu rõ ràng để giảm bớt khó khăn do các cú sốc kinh tế tái diễn đối với doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một nhu cầu cấp thiết là cung cấp bảo trợ xã hội đầy đủ cho những người không được bảo hiểm theo hợp đồng lao động toàn thời gian (Hình 1.5).

hinh-1-5-viec-lam-phi-chinh-thuc-va-pham-vi-bao-tro-xa-hoi-o-cac-nuoc-dang-phat-trien

Hình 1.5 Việc làm phi chính thức và phạm vi bảo trợ xã hội ở các nước đang phát triển

Gần 2 tỷ người lao động trên toàn cầu đang làm các công việc phi chính thức. Con số này chiếm gần 70% người lao động ở các nước đang phát triển và có thu nhập thấp, và 18% ở các nước có thu nhập cao. Với sự nhạy cảm trước những cú sốc kinh tế và sự nghèo nàn về việc làm, lao động phi chính thức đại diện cho một nhóm thị trường lao động quan trọng và cần có sự đầu tư tốt hơn về dữ liệu, hỗ trợ thu nhập trên diện rộng trong cả ngắn và dài hạn, cũng như chuyển dịch dần sang hướng chính thức trong dài hạn.

Tiền lương thực tế và chi phí sinh hoạt

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thu nhập của lao động ở nhiều nước đang phát triển vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Vào năm 2020, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu trải qua mức lạm phát chưa từng thấy trong gần 40 năm qua. Với tình trạng lạm phát cao, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đã gây ra ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo ILO, lần đầu tiên trong 15 năm qua, tiền lương thực tế của người lao động giảm – 0,9% trong nửa đầu năm 2022.

Trên khắp các khu vực, sự tăng trưởng của tiền lương thực tế bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở Bắc Âu, Nam Âu và Tây Âu; Mỹ Latinh; Châu Á – Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Ở Châu Phi, năm 2020 tiền lương thực tế giảm 10,5% do đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, đến năm 2022 tiền lương thực tế lại tiếp tục tăng ở Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Á và Tây Á, các quốc gia Ả Rập.

Cùng với tình trạng lạm phát gia tăng, sức mua đã giảm ở những người dễ bị tổn thương nhất, giả định mức tiêu thụ năng lượng và thực phẩm chiếm phần lớn tỷ trọng tiêu thụ của những hộ gia đình thu nhập thấp. Theo số liệu gần đây, nghiên cứu được thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), giá lương thực và năng lượng tăng có thể đẩy tới 71 triệu người vào cảnh nghèo đói, với các điểm nóng là ở châu Phi cận Sahara, vùng Balkan và lưu vực Caspian. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế mô hình bảo trợ xã hội bền vững cho những người làm việc không tiêu chuẩn và nền kinh tế phi chính thức, để từ đó đảm bảo sự an toàn và hỗ trợ khả năng phục hồi.

Ưu tiên của người lao động

Trong bối cảnh thị trường lao động có sự phân hóa về kết quả, các vấn đề xung quanh chất lượng công việc được đặt lên hàng đầu. Phần này xem xét một số nghiên cứu mới nhất về ưu tiên của người lao động để xác định thuộc tính công việc nào là quan trọng nhất đối với người lao động hiện nay. Để khởi đầu, dữ liệu cho thấy người lao động cởi mở với việc thay đổi nhà tuyển dụng. Dữ liệu về lao động của CultureAmp và Adecco phát hiện ra rằng, hơn một phần tư (lần lượt là 33% và 27% lao động) không thấy mình tiếp tục gắn bó với công ty hiện tại trong thời gian hai năm tới. Liên quan đến tình trạng này, gần một nửa số lao động (lần lượt 42% theo CultureAmp và 45% theo Adecco) tích cực tìm kiếm cơ hội tại các công ty khác.

Theo khảo sát của cả CultureAmp và Randstad, mức lương là lý do chính khiến người lao động quyết định thay đổi công việc. 52% số người được hỏi trong khảo sát của Randstad cho biết, họ lo lắng về tác động của sự không chắc chắn của kinh tế đối với việc làm và 61% số người trả lời khảo sát về ưu tiên của người lao động của Adecco lo lắng rằng mức lương của họ không đủ cao để theo kịp với chi phí sinh hoạt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát gia tăng.

Dữ liệu bổ sung khám phá khả năng bảo vệ và tính linh hoạt của việc làm: 92% số người trả lời khảo sát của Randstad cho biết, đảm bảo công việc là quan trọng và hơn một nửa số người được hỏi sẽ không chấp nhận một công việc không mang lại sự chắc chắn về đảm bảo công việc. 83% số lao động ưu tiên giờ làm việc linh hoạt và 71% ưu tiên địa điểm làm việc linh hoạt.

Chủ đề thứ tư được người lao động xác nhận là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như tình trạng kiệt sức: 35% người tham gia khảo sát của CultureAmp chỉ ra rằng, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như hiện tượng kiệt sức sẽ là lý do chính để rời bỏ công ty. Người lao động tham gia khảo sát của Randstad đánh giá tiền lương và sự cân bằng giữa cuộc sống, công việc ngang bằng nhau, với 94% người lao động chia sẻ rằng họ xác định cả hai khía cạnh này là yếu tố quan trọng để lựa chọn có làm việc ở một vai trò cụ thể hay không.

Dữ liệu cũng gợi ý rằng, sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) tại nơi làm việc là đặc biệt quan trọng đối với người lao động trẻ. Theo Manpower, 68% người lao động Gen Z không hài lòng với sự tiến bộ của tổ chức trong việc tạo ra sự đa dạng và môi trường làm việc hòa nhập. 56% người lao động Gen Z sẽ không chấp nhận một vị trí công việc nếu không có sự đa dạng trong vai trò lãnh đạo. Trong khi đó, dữ liệu cho thấy phụ nữ được đào tạo ít hơn nam giới.

Cuối cùng, người lao động ở mọi lứa tuổi đều cho biết rằng họ không hài lòng về cơ hội đào tạo. Dữ liệu của Manpower cho thấy, 57% số người được khảo sát đang theo đuổi cơ hội đào tạo ngoài công việc, bởi vì các chương trình đào tạo của công ty không dạy họ những kỹ năng liên quan, không giúp họ phát triển nghề nghiệp hoặc giúp họ duy trì tính cạnh tranh trên thị trường lao động. Những người trả lời khảo sát của Adecco chỉ trích các công ty tập trung nỗ lực quá nhiều vào sự phát triển, kỹ năng và chế độ khen thưởng của các nhà quản lý. Chỉ 36% số người không phải là quản lý tham gia khảo sát của Adecco nói rằng công ty đang đầu tư hiệu quả vào việc phát triển kỹ năng của họ, so với 64% của các nhà quản lý.

Chuyển dịch việc làm giữa các ngành

Hai năm qua đã chứng kiến ​​sự biến động về cung và cầu của hàng hóa & dịch vụ do tác động của lệnh phong tỏa và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã tái cơ cấu cách phân bổ việc làm khắp các ngành công nghiệp. Hình 1.6 trình bày dữ liệu của OECD chứng minh rằng, trong khi Công nghệ thông tin và Truyền thông Kỹ thuật số đã trải qua một sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia thì dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí, sản xuất và tiêu dùng, lĩnh vực bán buôn và hàng tiêu dùng lại có tốc độ phục hồi chậm hơn. Kể từ Quý đầu tiên của năm 2019, phần lớn quốc gia đã chứng kiến sự tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực Dịch vụ Chuyên nghiệp, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Chăm sóc sức khỏe, Chính phủ và Dịch vụ công, ngược lại, việc làm trong các lĩnh vực Chuỗi cung ứng và Vận tải, Truyền thông, Giải trí, Thể thao bị tụt hậu so với mức năm 2019.

Ngoài sự dịch chuyển về việc làm do đại dịch gây ra, những thay đổi chúng ta đã thấy giữa các lĩnh vực trong thời gian vài năm gần đây, cũng như các mô hình AI tạo sinh (generative AI) có khả năng tiếp tục định hình sự chuyển dịch việc làm giữa các ngành. Trong khi các ứng dụng AI được chứng minh là có một công nghệ có mục đích chung (GPT) hiệu quả, thì sự phát triển của các công nghệ có mục đích chung trước đây trở nên khó dự đoán, đó là lý do tại sao khi các tổ chức học cách sử dụng những công nghệ này, thì các quy định đưa ra cần phải nhanh chóng và có khả năng thích ứng.

Thông qua nghiên cứu được thực hiện cho Báo cáo về tương lai của việc làm, LinkedIn đã xác định được những vị trí công việc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu trong bốn năm qua, từ đó làm sáng tỏ thêm về các loại công việc mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm (Khung 1.1).

Những biến đổi mà thị trường lao động trải qua, làm gia tăng nhu cầu hình thành cơ chế phân bổ lại công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn trong nội bộ công ty và giữa các công ty và các lĩnh vực khác nhau. Những năm tới mang đến cho các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách một cơ hội đặc biệt để đón nhận một tương lai việc làm thúc đẩy sự hòa nhập và các cơ hội kinh tế, thiết lập các chính sách để không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, mà còn hướng đi của nó, góp phần định hình nền kinh tế và xã hội toàn diện, bền vững và kiên cường. 

hinh-1-6-1-su-thay-doi-viec-lam-theo-nganh-o-mot-so-quoc-gia-duoc-chon-2019-2021

 Hình 1.6.1: Sự thay đổi việc làm theo ngành ở một số quốc gia được chọn (2019-2021)

hinh-1-6-2-su-thay-doi-viec-lam-theo-nganh-o-mot-so-quoc-gia-duoc-chon-2019-2021

Hình 1.6.2: Sự thay đổi việc làm theo ngành ở một số quốc gia được chọn (2019-2021)

Khung 1.1 Các công việc phát triển nhanh nhất hỗ trợ tăng trưởng doanh số bán hàng và gắn kết với khách hàng, tìm kiếm nhân tài và công nghệ/CNTT

Kết hợp cùng LinkedIn

Nghiên cứu được thực hiện bởi LinkedIn phục vụ cho Báo cáo về tương lai của việc làm 2023, mô tả 100 vai trò đã phát triển nhanh nhất, nhất quán nhất trên toàn cầu, trong bốn năm qua – được gọi là “Việc làm trên đà phát triển”. Trong khi dữ liệu của ILO và OECD cho thấy các lĩnh vực đang tuyển dụng nhiều người hơn, thì dữ liệu của “Việc làm trên đà phát triển” xác định những loại hình công việc cụ thể đã có sự tăng trưởng đáng kể. Hình B.1 xếp 100 việc làm đang trên đà phát triển thành các nhóm rộng.

Theo dữ liệu của ILO và OECD về sự tăng trưởng vị trí trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông kỹ thuật số, các vai trò liên quan đến Công nghệ và CNTT chiếm 16 trong số 100 việc làm đang phát triển hàng đầu, cao thứ ba trong tất cả các nhóm việc làm. Các công việc liên quan đến Tăng doanh số và Gắn kết với khách hàng đứng đầu danh sách, chiếm 22 trong số 100 việc làm. Các vị trí như Đại diện phát triển kinh doanh, Giám đốc Phát triển và Kỹ sư đảm bảo sự thành công của khách hàng (Customer Success Engineer) đều góp mặt trong nhóm này, gợi ý rằng có sự gia tăng về mức độ tập trung cho các công việc mở rộng nhóm khách hàng và mô hình tăng trưởng trong một thế giới có khả năng tiếp cận kỹ thuật số ngày càng tăng và công nghệ tiến bộ nhanh chóng (chi tiết hơn về ảnh hưởng của gia tăng tiếp cận kỹ thuật số và áp dụng các công nghệ tiên tiến tới nhu cầu đối với các loại công việc cụ thể trong chương 3). Vai trò Nhân sự và Thu hút nhân tài là những vai trò phổ biến thứ hai. Hầu hết trong số này liên quan đến Thu hút và tuyển dụng nhân tài, bao gồm một vị trí cụ thể là Tuyển dụng trong ngành Công nghệ thông tin – có lẽ điều này minh họa cho những khó khăn và tầm quan trọng ngày càng tăng của việc tiếp cận nhân tài trong một thị trường lao động có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Các nhóm tiếp theo trong danh sách, Các vị trí liên quan đến tính bền vững và Môi trường cũng rất đáng chú ý vì tất cả đều nằm trong top 40, trong đó có 3 vị trí nằm trong top 10 vị trí hàng đầu (Hình B.2). Điều này gợi ý rằng quá trình chuyển đổi xanh rất có ý nghĩa và là xu hướng thị trường lao động đang lên, trong đó có các vai trò với chức danh như “Nhà phân tích bền vững”. Chương 3 xem xét sâu hơn về triển vọng của các vai trò liên quan đến quá trình chuyển dịch xanh.

hinh-b-1-1-viec-lam-dang-tren-da-phat-trien-theo-linkedin-2018-2022

Hình B1.1 Việc làm đang trên đà phát triển theo LinkedIn, 2018-2022

Các vị trí ngày càng tăng theo loại công việc

hinh-b-1-2-tin-tuyen-dung-tang-truong-nhanh-nhat-tren-linkedin-2018-2022

 Hình B1.2 Tin tuyển dụng tăng trưởng nhanh nhất trên LinkedIn 2018-2022

– Lược dịch từ Futute of Jobs Report 2023 – 

Bài viết liên quan:

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *