Tư duy kinh tế

Trích chia sẻ của TS. Phạm Thị Cẩm Anh – Giám đốc điều hành, Phòng thí nghiệm AcLab+ & Giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương tại Trường hè Tư duy 2023.

Nội dung bài chia sẻ bao gồm 4 nội dung chính. Thứ nhất là Nhất cận thị – Nhị cận biên: Tư duy kinh tế là gì? Tại sao nhà kinh tế lại tư duy ở cận biên, phạm vi của tư duy kinh tế là gì, tại sao tư duy kinh tế lại giúp chúng ta “nghĩ sáng hơn”, “làm tốt hơn” và “sống đẹp hơn”. 

Thứ hai là tư duy kinh tế và mô hình kinh tế, cách thức chúng ta sử dụng tư duy kinh tế, mô hình kinh tế như thế nào. 

Thứ ba, chúng ta tìm hiểu về chủ nghĩa thực dân của tư duy kinh tế trong cuộc sống hằng ngày. 

Và cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét sự phải trái đúng sai của tư duy kinh tế, tư duy kinh tế với các vấn đề đạo đức, vấn đề về trách nhiệm, vấn đề về quyền con người.

Phần 1: Nhất cận thị – Nhị cận biên: Tư duy kinh tế là gì?

Đầu tiên, kinh tế với tư cách là một môn khoa học. Chúng ta cần phân biệt giữa business mind với economic thinking. Mọi người thường không hiểu đúng về Kinh tế học: đây không phải việc nghiên cứu về tiền tệ hay thị trường chứng khoán hay cách kiếm tiền. Kinh tế học thật ra chỉ là một tập hợp các thảo luận thú vị xoay quanh một thực tế đơn giản là chúng ta đối mặt với Sự khan hiếm: không có đủ nguồn lực cho mọi ham muốn, nhu cầu. 

Sự khan hiếm ảnh hưởng tới mọi quyết định của các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, các quốc gia, thậm chí toàn bộ nhân loại với tư cách một giống loài. Ở những chừng mực nhất định, mọi người phải vật lộn với sự khan hiếm. Và nhà kinh tế quan tâm tìm hiểu xem mọi người thực hiện cuộc vật lộn ấy như thế nào. Business liên quan đến việc làm kinh doanh tạo ra “$”. Còn kinh tế học (Economic) quan tâm đến việc xem chúng ta vật lộn với sự khan hiếm của lực lượng để có thể thỏa mãn được nhu cầu bên trong.

Gregory Mankiw là một giáo sư rất nổi tiếng và được bình chọn là 1 trong 20 nhà kinh tế học xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Ông đưa ra định nghĩa kinh tế học như sau: “Kinh tế học là môn học nghiên cứu xã hội quản lý nguồn lực khan hiếm của mình như thế nào”. Tôi và thầy Kiên xin phép được bỏ từ “khan hiếm” khi định nghĩa về kinh tế học: “Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu về việc lựa chọn (và ra quyết định) trên cơ sở hiểu biết về động lực khuyến khích (incentive) và nguồn lực”.

“People respond to Incentive” – Con người phản ứng trước động lực khuyến khích (thưởng phạt). Tư duy kinh tế là cách ta tư duy về việc đưa ra các quyết định, cân nhắc các lựa chọn trên cơ sở hiểu biết về động lực khuyến khích và tính tới sự khan hiếm của các nguồn lực.

Sau đây là một số ví dụ để chúng ta thấy rằng con người phản ứng với những động lực khuyến khích, thưởng phạt như thế nào. 

  • Quy định về an toàn khi lái xe ô tô có khiến con số tai nạn do ô tô giảm đi không? 
  • Ô tô tiết kiệm năng lượng có giúp giảm mức độ tiêu thụ xăng không?
  • Thuốc lá có hàm lượng hắc ín thấp có làm giảm tỷ lệ ung thư phổi không?
  • Chất béo tổng hợp có lượng calo thấp có làm giảm số cân nặng trung bình không?
  • Việc sáng chế ra các biện pháp tránh thai có giúp giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn không?

Tất cả những điều này chúng ta có thể trả lời được nếu chúng ta sử dụng tư duy kinh tế. Và đây là cách con người phản ứng với thực tại. 

Ví dụ, về vấn đề an toàn khi lái xe ô tô. Lý do chúng ta lái xe ô tô an toàn vì chúng ta sợ tai nạn đúng không? Nhưng khi chúng ta có những biện pháp bảo vệ, nói cách khác là giá của tai nạn giảm đi thì tôi không có lý do gì phải lái xe an toàn cả. Tất nhiên có người nói tai nạn có phải hàng hóa, có phải xăng đâu mà mua nhưng việc không lái xe an toàn thì chúng ta được thử cảm giác mạnh, đó là một trải nghiệm, người ta sẵn sàng trả giá. Thế thì khi giá tai nạn giảm thì tôi sẵn sàng, tôi liều lĩnh hơn. Vậy quy định về lái xe an toàn có khiến số vụ tai nạn giảm hay không?

Các số liệu thống kê chỉ ra rằng: số lượng tử vong giảm nhưng số lượng tai nạn tăng và tổng lại thì không có sự thay đổi về số lượng tử vong, nhưng có một thực tế rất buồn cho người đi bộ đó là tỷ lệ tử vong tăng lên. Tóm lại là người đi bộ không được lợi gì từ quy định lái xe an toàn và nó không tác động gì đến hành vi xã hội về vấn đề an toàn cho người lái xe. Với tư cách là nhà kinh tế học, chúng ta sử dụng tư duy kinh tế để biết được ngay câu trả lời cho những câu hỏi, để thấy con người phản ứng với thực tại như thế nào. 

Tư duy kinh tế cung cấp cho chúng ta một công cụ mạnh mẽ: dự đoán được cách cư xử của các chủ thể cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp; dự đoán được cách hành xử của cả nền kinh tế và hiểu rõ hơn về các lựa chọn của bản thân chúng ta – cùng các hậu quả của nó – trong cuộc đời mình. Bằng cách này chúng ta có thể nghĩ sáng hơn (duy lý), làm tốt hơn (lựa chọn) và sống đẹp hơn (thấu hiểu và tôn trọng lựa chọn, hành xử của người khác).

Nhà kinh tế tư duy ở cận biên

Con người duy lý tư duy ở cận biên, Là việc chúng ta quyết định tăng thêm 1 đơn vị cái này hay giảm 1 đơn vị cái kia bằng cách xem nó mang đến cho chúng ta bao nhiêu lợi ích và tốn mất bao nhiêu chi phí. 

Ví dụ: Tuyển dụng thêm 1 đơn vị lao động thì tốn bao nhiêu chi phí mỗi tháng (tiền lương) và tăng thêm được bao nhiêu thu nhập cho doanh nghiệp?

Đọc thêm một cuốn sách thì tốn mất bao nhiêu chi phí về thời gian và mang lại bao nhiêu lợi ích?

Khi chúng ta quy đổi lợi ích và chi phí ra cùng một đơn vị nào đó, ví dụ tiền, thực chất chúng ta làm thứ mà các nhà kinh tế học gọi là Phân tích chi phí và lợi ích.

chia-se-ve-tu-duy-kinh-te-cua-ts-pham-thi-cam-anh

Chia sẻ về Tư duy kinh tế của Ts.Phạm Thị Cẩm Anh

Phạm vi của Tư duy kinh tế

Phạm vi của tư duy kinh tế có thể áp dụng ở cả tầng mức vi mô và vĩ mô. Trước tiên, tư duy kinh tế có thể gắn với những vấn đề cụ thể ở tầng mức vi mô như thế nào.

Ví dụ trong thương lượng, đàm phán, tư duy kinh tế là nền tảng xây dựng tư duy giải quyết xung đột với BATNA (GS Roger Fisher và William Ury), (giải pháp thay thế tốt nhất) thực sự là 1 sản phẩm tuyệt vời của tư duy kinh tế. 

Tư duy kinh tế là cơ sở để các phụ huynh quyết định cho con đến trường và lựa chọn trường học với những mức học phí (chi phí) khác nhau và với kỳ vọng về “tương lai sáng sủa” (lợi ích) của con khác nhau.

Tư duy kinh tế là (một trong) các cơ sở giúp các anh chị quyết định tham gia Trường hè Tư duy này.

Tư duy kinh tế có phải là cơ sở để chúng ta quyết định có bao nhiêu con hay không?

Thứ hai là phạm vi của tư duy kinh tế ở tầng mức vĩ mô, vĩ mô ở đây là: Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (Phân bổ nguồn lực dựa trên Lượng) và Nền kinh tế thị trường (Phân bổ nguồn lực dựa trên Giá).

Nguyên lý cung – cầu: phân bổ nguồn lực dựa trên Giá và Lượng là như nhau, nhưng phân bổ nguồn lực dựa trên Lượng cần rất nhiều thông tin về người sản xuất, người tiêu dùng mà các nền kinh tế XHCN không có sẵn vì chi phí quá cao; và không có các tín hiệu rõ ràng về động cơ khuyến khích (incentive)… 

Sự thay đổi từ Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang Nền kinh tế thị trường là sự thay đổi về Tư duy kinh tế: Chuyển sang sử dụng cơ chế giá tốn ít chi phí hơn, với động cơ khuyến khích rõ ràng hơn trong việc quyết định các vấn đề sản xuất cái gì, bao nhiêu và cho ai. Đây là một cuộc cách mạng rất lớn.

Bây giờ, tôi xin phép chuyển sang câu chuyện cuối cùng trong phần 1, tư duy kinh tế không chỉ giúp chúng ta “nghĩ sáng hơn”, “làm tốt hơn” mà còn giúp chúng ta “sống đẹp hơn”. Toàn bộ hệ thống kinh tế thế giới hiện nay được định chế hóa với Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) 1947 hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) 1995 chính là sản phẩm của Tư duy kinh tế khởi nguồn từ kinh tế học cổ điển về lợi ích của thương mại tự do mà điển hình nhất là Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo.

Bắt nguồn từ thương mại tự do và 1 trong những điển hình của tư duy kinh tế của thương mại tự do đó là lợi thế so sánh. Có một câu chuyện nhỏ như sau: Năm 1938, Giáo sư Paul Samuelson (một giáo sư rất nổi tiếng của Harvard và là người Mỹ đầu tiên nhận được Giải Nobel Kinh tế) khi ấy còn rất trẻ, bị nhà toán học gốc Ba Lan Stanislaw Ulam thách thức liệt kê một định lý trong khoa học xã hội vừa chính xác, vừa độc đáo. Giáo sư Paul Samuelson đã lựa chọn Lợi thế so sánh. Ông phát biểu: “Sử dụng bốn con số, như thể bằng phép thuật, chúng cho thấy thực sự có một bữa trưa miễn phí – đến từ thương mại quốc tế”.

Ví dụ, nếu chúng ta sản xuất cái gì cũng thua kém Nhật Bản, vậy chúng ta có nên tham gia thương mại tự do với Nhật Bản hay không. Thương mại tự do, thương mại không phải thương hại, thương mại là cuộc chơi mà tất cả đều có lợi ích. Câu chuyện chúng ta hay nói là câu chuyện của Hàn Quốc và Ghana. Năm 1960 Hàn Quốc và Ghana có xuất phát điểm giống nhau, sau đó có 1 sự thay đổi  tạo nên sự khác biệt hoàn toàn giữa 2 quốc gia, đó là Hàn Quốc mở cửa thị trường, còn Ghana thì không. Hàn Quốc đã gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào năm 1996. Vậy thì sử dụng 4 con số, như thể bằng phép thuật, chúng ta có thể thấy thương mại quốc tế thật sự mang lại lợi ích cho quốc gia.

Abraham Lincoln cũng từng chia sẻ: “Tôi không biết nhiều về thuế quan. Nhưng tôi biết rõ điều này. Khi chúng ta mua hàng hóa sản xuất ở nước ngoài, chúng ta có hàng hóa và ngoại quốc có tiền; khi chúng ta mua hàng hóa sản xuất trong nước, chúng ta có hàng hóa mà vẫn giữ lại số tiền ấy”. 

Ví dụ thứ 2 là về ý tưởng năm 1952 của nhà kinh tế William S. Vickrey (Đại học Columbia, Nobel kinh tế 1996) về định giá theo mức độ tắc nghẽn (congestion pricing) việc tăng giá vé tàu điện ngầm ở New York vào giờ cao điểm. 

Sau đó, ý tưởng này đã được áp dụng ở rất nhiều quốc gia, điển hình là Singapore năm 1975 (tính phí vào trung tâm), năm 1998 (thu phí theo lưu lượng giao thông) và lan ra nhiều nước khác. Kết quả là giảm được tình trạng tắc nghẽn giao thông, tăng mức độ sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm lượng khí thải các-bon, tạo nguồn thu đáng kể cho chính quyền. Đây là 1 ví dụ áp dụng tư duy kinh tế.

Ví dụ thứ 2 là về ý tưởng năm 1997 của Santiago Levy, giáo sư kinh tế tại Đại học Boston, thay đổi hình thức trợ cấp lương thực cho người nghèo bằng chương trình Progresa là chương trình chuyển tiền mặt có điều kiện (conditional cash transfer – CCT). Các bà mẹ nhận tiền mặt, đổi lại họ phải đảm bảo con cái mình sẽ đi học và nhận được chăm sóc sức khỏe. Chương trình trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia khác, đặc biệt là ở Mỹ – Latinh. Rõ ràng chúng ta có thể áp dụng tư duy kinh tế vào rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Phần 2: Tư duy kinh tế và mô hình kinh tế

Kinh tế học như một khoa học tư duy

John M. Keynes:”Với bản thân tôi, dường như kinh tế học là một nhánh của logic học, một lối tư duy…”(Keynes, 1938)

Ha-Joon Chang: “95% kinh tế học là những tư duy thông thường – bị tiến thành phức tạp bằng việc sử dụng những thuật ngữ và toán học”

John M. Keynes: “Kinh tế học là khoa học của việc tư duy bằng mô hình kết hợp với lựa chọn mô hình phù hợp với hiện tại”

Tư duy bằng mô hình kinh tế

Chúng ta có thể đọc thêm cuốn sách “Các quy tắc trong Kinh tế học” của Dani Rodrik (2019). Ông là 1 trong những nhà kinh tế nổi tiếng của Mỹ và quyển sách này được đánh giá là 1 trong những quyển sách hay nhất năm 2015.

Trong cuốn sách có nói về tư duy bằng mô hình kinh tế là tư duy về lựa chọn, ra quyết định thông qua xây dựng một thế giới “ảo” với những mối liên kết nhất định giữa các mắt xích trong toàn bộ bức tranh – những mối liên kết này sẽ khó phân biệt khi quan sát ở ngoài đời thực với muôn vàn phức tạp nếu không bỏ những yếu tố gây nhiễu. 

So sánh mô hình kinh tế cũng giống như mô hình mà một kiến trúc sư có thể xây dựng để trình bày cảnh quan xung quanh ngôi nhà và một mô hình khác để hiển thị nội thất của ngôi nhà đó, trừ việc chúng không phải các cấu trúc vật lý mà hoạt động một cách tượng trưng, sử dụng từ ngữ và toán học (Rodrik, 2019). 

Hình thức hóa các mô hình toán học làm các mô hình “trông” phức tạp, nhưng đó chỉ là cách để tư duy tường minh dành cho những người trong nghề. 

Alfred Marshall – một trong ba tứ trụ về tư duy ở cận biên, đã đưa ra 5 bước sau đây: (1) Sử dụng toán như một ngôn ngữ tư duy (2) Tiếp tục đến khi giải xong (3) Dịch ra tiếng Anh (4) Minh họa bằng các ví dụ quan trọng trong cuộc sống thực (5) Đốt toán. Nếu không làm được (4) thì đốt luôn (3), là việc tôi thường đã làm. 

Mô hình không phải là một thứ gì đó kinh khủng hay phức tạp, nó là một quá trình đơn giản hóa thực tế

Toán học đơn thuần chỉ đóng vai trò là một công cụ trong các mô hình kinh tế. Về cơ bản, các mô hình không cần có toán và toán cũng không phải là thứ làm cho các mô hình trở nên hữu ích.

Tư duy kinh tế là cách tư duy về việc đưa ra các quyết định, cân nhắc các lựa chọn dựa trên hiểu biết về động lực khuyến khích và tính tới sự khan hiếm của các nguồn lực thông qua các mô hình kinh tế.

Ở đây tôi xin trích dẫn một câu nói của Dani Rodrik: “It’s a model, not the model”, chúng ta không có một mô hình xác định chúng ta lựa chọn cái gì. 

Tôi xin phép chia sẻ tình huống của bà Phạm Chi Lan nói về ngành hàng không. Đó là vào tháng 7/2021, Vietnam Airlines đã đề xuất áp mức giá tối thiểu (giá sàn) vé máy bay bằng 44% mức giá tối đa (giá trần) trong khung giá. Cục hàng không cho rằng mức giá sàn này quá cao, hạn chế việc đi lại bằng máy bay của một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp và đề xuất áp dụng giá sàn bằng 20% giá trần hiện nay thôi. 

Bà Phạm Chi Lan có bình luận như sau: “Đề xuất giá sàn vé máy bay, không còn vé 0 đồng là cực kỳ phi lý… Đề xuất này nếu được thông qua sẽ làm mất hết tính cạnh tranh. Đây là điều vô cùng phi lý… Vietnam Airlines phải sẵn sàng chia sẻ thị phần với các hãng khác và chấp nhận cạnh tranh. Chính phủ chỉ nên duy trì hãng Hàng không Quốc gia trên tinh thần chấp nhận cạnh tranh chứ không phải duy trì trên cơ sở bảo trợ, ưu đãi, đặc quyền đặc lợi”.

Mô hình kinh tế trong tư duy kinh tế của bà Phạm Chi Lan: Thị trường tự do cạnh tranh, Nhà nước không được can thiệp vào, phải để các hãng hàng không cạnh tranh với nhau. 🡪 Ngành hàng không có tự do cạnh tranh không? 

Đặc tính của ngành hàng không Việt Nam: không phải là cạnh tranh tự do mà mà là cạnh tranh độc quyền, các doanh nghiệp gia nhập hay rút lui khó, không có mức giá có sẵn mà giá được định hình trong cuộc chơi giữa các bên (price maker thay vì price taker) 🡪 Tư duy bằng mô hình cạnh tranh độc quyền.

Nếu như chỉ có 1 số người tham gia vào cuộc chơi, nếu như họ thông đồng với nhau, ví dụ đặt một mức giá rất cao để trục lợi từ người dân hoặc nếu họ đặt một mức giá rất thấp để đánh bật những doanh nghiệp không trường vốn ra khỏi thị trường, đó có coi là cạnh tranh lành mạnh hay không?

Một câu hỏi đặt ra ở đây là chính sách tài chính của Vietnam Airlines có được như Vietjet hay không, rõ ràng là không. Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, nếu họ kinh doanh thua lỗ thì ngân sách Nhà nước phải bù, cho nên không thể đặt mức giá 0 đồng và chấp nhận bán ra thị trường với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất được. Đó là câu chuyện khi mà chúng ta nhầm lẫn về mô hình kinh doanh, mô hình kinh tế, nó không phải cạnh tranh tự do mà là cạnh tranh độc quyền. Trong các ngành cạnh tranh độc quyền cần phải có các quy định để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, thôn tính lẫn nhau một cách không công bằng, cũng như tránh sự đồng lõa, cấu kết. Sự can thiệp của Nhà nước với các quy định đối với ngành hàng không là để bảo vệ cạnh tranh chứ không phải hủy hoại cạnh tranh.

Phần 3: Chủ nghĩa thực dân của tư duy kinh tế và Phải – Trái – Đúng – Sai

Chủ nghĩa thực dân của tư duy kinh tế

Gary Becker (Nobel kinh tế năm 1992) là người mở đầu cho Chủ nghĩa thực dân của tư duy kinh tế (chủ nghĩa đế quốc kinh tế học – Economic imperialism). Từ Gary Becker, tư duy kinh tế xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của khoa học xã hội.

Ông có một cuốn sách rất hay đó là “Luận cương về gia đình” (A Treatise on the Family – 1981) nghiên cứu về các tương tác cá nhân trong các lĩnh vực riêng tư như lựa chọn người phối hôn, ly hôn, quyết định số con cái, quyết định về thừa kế và hưu trí…

Một ví dụ thành công của tư duy kinh tế trong vấn đề môi trường: Cứu tê giác trắng ở châu Phi. Tại thời điểm đó khi nhận thấy rằng tê giác trắng gần như là tuyệt chủng, chính quyền đã đưa ra một quyết định là trao quyền sở hữu cá thể tê giác trắng cho người chăm sóc. Và khi người dân được trao quyền sở hữu, họ sẽ được hưởng những đặc quyền, đặc lợi của sở hữu con tê giác đó, nên họ nhân giống, bảo vệ và việc đó thật sự có hiệu quả. 

Câu chuyện về tư duy kinh tế ở đây là Trao quyền sở hữu tê giác cho ai? Định đề Coase chỉ ra rằng Trao cho ai không quan trọng, miễn là quyền sở hữu được xác lập rõ ràng.

Một ví dụ khác về Tư duy kinh tế được sử dụng để giải thích: Vì sao chúng ta kết hôn? Kết hôn không phải bởi vì chúng ta có tình cảm với nhau, chúng ta xây dựng gia đình nếu xét về tư duy kinh tế thì có 4 lý do tại sao chúng ta kết hôn:

(1) Phân công lao động sau hôn nhân giúp gia tăng lợi ích chung. 

(2) Hôn nhân giúp giải quyết vấn đề trung gian tín dụng khi thị trường tín dụng không hoàn hảo 

(3) Hôn nhân dẫn tới việc sản xuất ra các hàng hóa gia đình chung 

(4) Hôn nhân giúp chia sẻ rủi ro trước các bất trắc khi vợ chồng có các nguồn thu nhập khác nhau

Đi xa hơn nữa, tư duy kinh tế có thể áp dụng để phân tích tất cả các vấn đề liên quan tới tương tác con người với các động cơ khuyến khích. Ví dụ, Giấc ngủ giá 8 triệu của Kiên và hộp đêm giá 500 triệu của Cẩm Anh. 

Tôi kinh doanh hộp đêm, thầy Kiên là hàng xóm của tôi và thầy rất dị ứng với âm nhạc. Khi hộp đêm của tôi chơi nhạc vào buổi tối, thầy Kiên không thể ngủ được. Thế nhưng tôi nhất định không bỏ việc kinh doanh của mình, chúng tôi không thể giải quyết được với nhau và đưa nhau ra tòa. Lúc này tòa sẽ quyết định tôi thắng hay thầy Kiên thắng? Nếu tòa cho rằng việc thầy Kiên được ngủ quan trọng hơn thì tôi thua, tôi phải chịu một đêm mất 500 triệu. Nhưng nếu tòa cho rằng tôi được quyền kinh doanh, tôi bảo toàn được 500 triệu, thầy Kiên mất 8 triệu. Nhưng mà, ngay cả trong trường hợp tòa cho thầy Kiên thắng tôi vẫn có cách. Giấc ngủ của anh chỉ có giá 8 triệu thôi, hộp đêm của tôi có giá 500 triệu, tôi cho anh 10 triệu luôn, anh tìm chỗ khác ngủ. 

Bây giờ câu chuyện là 8 triệu hay 500 triệu, vậy thì trao quyền sở hữu không gian đó cho ai. Giả sử thầy Kiên chấp nhận 10 triệu, tôi kinh doanh hộp đêm hay nói cách khác khi tòa trao quyền sở hữu riêng tư không gian cho thầy Kiên thì cuối cùng nó cũng sẽ quay về với người sử dụng nó một cách hiệu quả nhất và chúng tôi sẽ handle với nhau. Nhưng rất tiếc, đôi khi cũng sẽ có những tình huống đi quá đà, vậy chúng ta phải làm thế nào. 

Phải – Trái – Đúng – Sai

Quay trở lại ví dụ giấc ngủ của thầy Kiên và hộp đêm của tôi, câu hỏi đặt ra là nếu như quyền được Ngủ là quyền cơ bản thì tôi có được quyền kinh doanh hộp đêm hay không? Nếu Ngủ không phải là quyền cơ bản thì ngủ cũng cần để sống mà sống là quyền cơ bản, tôi được quyền sống, bây giờ cô cứ ca hát suốt ngày thế làm sao tôi ngủ được, làm sao tôi sống được?

Trong thực tế có những trường hợp khá phi lý, ví dụ tại sao trong thiên tai người bán lại không được tăng giá ngay cả khi người mua sẵn sàng chi trả? Tại sao giá hải sản ở Sầm Sơn bị xem là giá “chặt chém”, trong khi giá hải sản tại KS J. Marriott lại không? Hay vấn đề tiền tệ hóa quà tặng: Tại sao chúng ta lại tặng quà, trong khi tư duy kinh tế cho thấy chúng ta nên tặng tiền?

Có người nói rằng tôi tặng quà để bạn thấy rằng tôi tốn rất nhiều thời gian để lựa chọn cho bạn món quà ý nghĩa, ưng ý với bạn, thể hiện sự quan tâm của tôi với bạn chứ còn đưa tiền thì quá dễ. Nhưng nhà kinh tế học không nói thế, nếu như bạn nói cho tôi biết bạn tốn rất nhiều thời gian để chọn quà cho tôi thì có nghĩa là bạn không quan tâm đến tôi, nếu bạn quan tâm đến tôi thì bạn phải biết tôi thích gì chứ, tại sao bạn chọn mãi mới được món quà, đưa tiền cho nhanh. Rõ ràng chúng ta nói đến vấn đề cái gì quan trọng hơn. Thế thì khi chúng ta đưa những giá trị vào trong kinh tế thì nó là một nhánh kinh tế khác và khi kinh tế đơn thuần, không có giá trị đó lại là một nhánh kinh tế khác. Chúng ta nhìn thấy ở đây 2 nhánh là: Kinh tế học Thực chứng và Kinh tế học Chuẩn tắc.

Kinh tế học thực chứng là một khoa học khách quan mô tả cách thế giới vận hành đơn thuần, nói về cách các hoạt động kinh tế đang thực sự diễn ra. Còn kinh tế học chuẩn tắc lại nói về cách thế giới nên vận hành như thế nào, nên trong trường hợp này chúng ta đưa vào các giá trị. Khi nói tới Tư duy kinh tế, chúng ta cần phải rõ chúng ta đang tiếp cận theo “loại” gì, nếu chúng ta ở những hệ tư tưởng khác nhau, có những quan điểm khác nhau thì rất khó tìm được tiếng nói chung.

Về triết học đạo đức. Triết học đạo đức quy định xuất phát điểm của các “giá trị kinh tế” trong các lựa chọn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các “lựa chọn công”. Có 3 trường phái đạo đức đó là triết học đạo đức của Bentham, triết học đạo đức của John Rawls và triết học đạo đức của Immanuel Kant.

  • Triết học đạo đức của Jeremy Bentham (1748-1832): mọi người đều quan trọng như nhau🡪 Tư duy kinh tế là tối đa hóa tổng lợi ích (Chủ nghĩa vị công lợi): nếu như thầy Kiên không ngủ, tôi có 500 triệu và tôi chia cho thầy sẽ tốt hơn.
  • Triết học đạo đức của John Rawls (1921-2004): lợi ích của xã hội chỉ được quyết định bởi hạnh phúc của người yếu thế nhất trong xã hội 🡪 Tư duy kinh tế là tối đa hóa lợi ích của người yếu thế nhất trong xã hội: nếu thầy Kiên là người yếu thế trong xã hội thì giấc ngủ của thầy rất quan trọng và khi tòa đưa ra phán quyết thì phải cân nhắc có tối đa được lợi ích của người yếu thế trong xã hội hay không.
  • Triết học đạo đức của Immanuel Kant (1724-1804): Cá nhân mỗi con người là thiêng liêng, có những “quyền tự nhiên” không thể đánh đổi với lợi ích của xã hội: quyền được sống, quyền tự do… 🡪 Giới hạn của Tư duy kinh tế: Thế thì quyền được ngủ, quyền được sống là của thầy Kiên và tôi không thể xâm phạm. Giả sử bây giờ nói rằng, bạn làm hành động A đi, đừng làm hành động B vì làm hành động A ít người chết hơn hành động B thì Kant không bao giờ đồng ý. Bởi vì không có lý do gì một người phải chết vì người khác cả, tôi có quyền được sống. Cho nên đây cũng là giới hạn của tư duy kinh tế

Tiếp theo là Tư duy kinh tế và kinh tế học hành vi. Từ homo economicus (con người kinh tế) tới homo sapiens (con người tinh khôn): Sự lên ngôi của kinh tế học hành vi. Con người rất nhiều khi Phi lý trí (Irrational), và sự phi duy lý này có thể dự đoán được (Predictably).

Một nguyên tắc rất cơ bản của kinh tế, giả sử tất cả mọi người hành động đều có lý nhưng thực ra chúng ta có thể nghĩ được rất nhiều ví dụ về hành động phi lý của những người xung quanh. Trong trường hợp chúng ta thấy phi lý thì chúng ta có 2 cách giải quyết: cách đầu tiên là mọi chuyện là như thế đấy nhưng mà đối tượng đó là ngoại lệ và cách thứ 2 là theo quan điểm của nhà kinh tế thì họ đánh đố nhau tìm ra lời giải hợp lý cho hành động tưởng chừng như phi lý của đối tượng đó. Tất nhiên có rất nhiều vấn đề không giải quyết được, chưa giải quyết được nhưng cần phải hiểu thêm “Lẽ phải của phi lý trí”.

Ở đây mình đưa ra một số câu đố hợp lý:

  • Tại sao doanh thu bán hàng tăng lên khi KOL quảng cáo nhưng lời xác nhận không chuyển tải gì thông tin chất lượng sản phẩm?
  • Tại sao BTC BlackPink không tăng giá vé dù biết có tăng cũng vẫn cháy vé?
  • Tại sao ngân hàng có kiến trúc đẹp hơn tiệm bách hóa
  • Tại sao nhiều mặt hàng được bán với giá X.99 thay vì X+1
  • Tại sao nông dân lại sở hữu nhiều mảnh đất nhỏ thay vì một mảnh đất to trong làng?
  • Tại sao chúng ta đi bỏ phiếu dù biết một phiếu bầu của chúng ta không ảnh hưởng gì đến kết quả?
  • Tại sao giới kinh doanh lại ưa chuộng những người ăn mặc đẹp?

Chúng ta dùng tư duy kinh tế để giải quyết những câu đố này. 

Ví dụ tại sao doanh thu lại tăng khi mời KOL quảng cáo? Bạn có kỳ vọng đó là sản phẩm tốt không hay là bạn mua vì thần tượng mà chúng ta biết chắc rằng KOL nhận tiền để quảng cáo sản phẩm đó chưa chắc họ đã dùng. Niềm tin, động lực khuyến khích chúng ta tin vào cái gì, tin vào doanh nghiệp đó hay KOL đó? Bạn có kỳ vọng sản phẩm đó sẽ tốt nếu KOL sử dụng sản phẩm đó, chuyện gì xảy ra nếu như bạn mua về và sản phẩm đó chất lượng kém, chúng ta có bị ảnh hưởng không? Có khi nào KOL nhận quảng cáo sản phẩm đó lo lắng rằng uy tín của mình có ảnh hưởng nếu sản phẩm đó có vấn đề không. Có! Hay nói cách khác KOL cũng phải tìm hiểu mới nhận lời, tất nhiên là không phải KOL nào cũng như vậy. 

Hãy nghĩ về tư duy kinh tế. Việc doanh nghiệp trả tiền cho KOL quảng cáo sản phẩm giống như việc chúng ta gửi ngân hàng 1 tỷ. Người kinh doanh có 2 lựa chọn khi thâm nhập vào thị trường hoặc là đánh nhanh thắng nhanh, tôi bán sản phẩm với mức giá rất thấp và khi người tiêu dùng biết sản phẩm của tôi không tốt, tôi rút khỏi thị trường luôn. Trong trường hợp đó, người ta không lựa chọn đầu tư tiền vào ngân hàng giống như đầu tư vào KOL vậy. Nhưng nếu tôi đưa cam kết gửi tiền vào ngân hàng đó một cách công khai đến tất cả mọi người giống như đầu tư vào KOL hoặc tôi cam kết sản phẩm của tôi chất lượng tốt và tôi muốn tên tuổi sản phẩm của tôi đến rộng với mọi người thông qua KOL đó và chỉ như vậy tôi mới đầu tư. Như vậy, lời quảng cáo của KOL có thể không liên quan gì đến chất lượng sản phẩm nhưng chúng ta có niềm tin vào KOL, vào doanh nghiệp vì chỉ doanh nghiệp muốn kinh doanh lâu dài thì họ mới có sự đầu tư đó. 

Trường hợp tại sao BTC Blackpink không tăng giá vé dù biết có tăng cũng vẫn cháy vé? Có người giải thích, bản chất họ không tăng vé là vì muốn người ta xếp hàng dài mua. Đây là hình thức quảng cáo cho band nhạc, một hình ảnh rất tốt đẹp cho band nhạc. Nhưng có 1 lời giải thích khác đó là các hãng hướng đến nhóm đối tượng nào. Nếu như mình không bao giờ mình cắm trại mua vé, không bao giờ hôn ghế thần tượng và rõ ràng sau buổi nhạc đó tôi ở lại mua những sản phẩm của họ, tôi chụp ảnh với thần tượng và mua những sản phẩm liên quan, đó mới là business mà người ta muốn hướng đến chứ người ta không tăng vé, bởi vì tăng giá vé chỉ hướng đến nhóm khách hàng trung tuổi và họ không có những hành động tiếp theo. Nghe có vẻ phi lý nhưng thực ra có những lý do đằng sau. 

Tất cả những hiện tượng mà chúng ta quan sát được nghe có vẻ vô lý nhưng thực ra đều có những lý do ở đằng sau và chúng ta có thể sử dụng tư duy kinh tế để giải thích.

Bài viết liên quan:

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *