Tại sao lại là Wise Leader?
Tại sao lại là Wise Leader (Lãnh đạo hiền minh)? Đó là một câu hỏi đầu tiên và rất cơ bản từ góc độ của lãnh đạo cao cấp và kế cận. Trong đó, lãnh đạo cao cấp là Giám đốc, Tổng Giám đốc, các thành viên ban giám đốc, những người đang thực sự làm công việc lãnh đạo; còn kế cận là những người sẽ tiếp nối những người đó để gánh vác công ty.
Nhu cầu học hỏi và rèn giũa trí tuệ của nhà lãnh đạo
Không phải lãnh đạo cao cấp nào cũng có nhu cầu giống nhau, nhưng về cơ bản đến một thời điểm nào đó, người ta sẽ có nhu cầu học và rèn giũa trí tuệ, đạo đức, tầm nhìn, khả năng hiểu biết để ngày càng mở mang theo tốc độ phát triển của công ty.
Nhà lãnh đạo cần liên tục mở mang hiểu biết theo tốc độ phát triển của công ty
Giả sử một nhà khởi nghiệp ở độ tuổi 30 thì sau khoảng 5 đến 7 năm, vốn liếng tích lũy về mặt tri thức cũng đến lúc cạn dần. Khi công ty đạt được một số thành tựu nhất định, phải nghĩ đến những chặng đường phát triển tiếp theo, nhà khởi nghiệp sẽ phải tìm kiếm những cơ hội học hỏi khác để nâng tầm bản thân. Có thể tìm đến một cuốn sách để học, những bậc đàn anh để hỏi hay những hội nhóm để trao đổi. Nhưng sẽ có một số người không thỏa mãn với những cách tiếp cận này.
Giả sử nếu không được trang bị căn cơ thì cuối cùng cũng chỉ quanh quẩn với những thứ mang tính chất self-help. Những thứ này tuy hữu ích nhưng cứ dùng đi dùng lại mãi cũng sẽ bị cùn, không giải quyết được vấn đề căn cơ, không giúp con người có khả năng suy nghĩ độc lập, hiểu biết sâu sắc hơn về con người, xã hội, sự vận hành của vạn vật, của nền kinh tế… Nhưng những hiểu biết này lại không nằm ở các nguồn dễ kiếm. Cho nên sẽ đến lúc chúng ta phải tìm kiếm ở các chương trình đào tạo có bằng cấp hoặc không, ở các trình độ cao hơn, các chương trình 6 tháng, 1 năm, chương trình huấn luyện dài hơi, chương trình MBA, Thạc sĩ về quản trị…
Cách tiếp cận khác biệt của Chương trình WiseLeader so với MBA
[WiseLeader là chương trình học tập nâng cao do Học viện Agile và Viện Libero triển khai nhằm: Thúc đẩy sự học khai phóng của nhà quản trị; Kiến tạo những nhà lãnh đạo khai phóng và hiền minh]
WiseLeader cũng chỉ là một lựa chọn khác để đáp ứng nhu cầu học hỏi và rèn giũa trí tuệ của nhà quản lý. Nhưng điều đặc biệt ở đây là cách tiếp cận của WiseLeader chạm vào những vấn đề cơ bản. Muốn hiểu biết sâu hơn về con người, tổ chức, xã hội, kinh doanh, kinh tế thì ta phải học ở những chương trình được thiết kế chuyên sâu hơn. WiseLeader ra đời để đáp ứng điều đó, để người ta mở rộng chân trời hiểu biết của mình cũng như trang bị kỹ năng để tiếp tục mở mang đầu óc.
Để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể so sánh WiseLeader với chương trình MBA – một lựa chọn gần như là số 1 của các lãnh đạo cao cấp hoặc kế cận. MBA được xem là chương trình giáo dục thành công nhất trên toàn cầu từ xưa đến nay. Nó cung cấp rất nhiều kiến thức cơ bản và nâng cao về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, hành vi của tổ chức, quản trị nhân sự, quản trị đổi mới, quản trị tài chính và quản trị công nghệ. Đây là những bộ môn rất thực dụng và chứa đựng khối kiến thức cần thiết và hữu ích mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng sẽ phải đối mặt trong quá trình dẫn dắt các doanh nghiệp hay tổ chức, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có quy mô nhất định hay doanh nghiệp vừa và lớn.
WiseLeader về cơ bản có khoảng 50% khối kiến thức được thiết kế theo kiểu MBA, nhưng sẽ bổ khuyết cho một phần mà các chương trình MBA truyền thống không có. Đó chính là những kiến thức căn bản, nền tảng mà ở đây tạm gọi là kiến thức khai phóng như: những vấn đề cơ bản về con người, xã hội, văn hóa, tâm lý,… những thứ ít khi xuất hiện trong các chương trình MBA do giới hạn về tiêu chuẩn của chương trình.
WiseLeader được thiết kế để người học có khoảng 7-8 tháng tiếp cận những câu hỏi hết sức cơ bản thông qua rất nhiều kênh khác nhau: đọc sách kinh điển, nghiên cứu giáo trình, học với giáo sư, chuyên gia trong từng lĩnh vực, thông qua những lĩnh vực khai phóng đã có bề dày truyền thống như lịch sử, nhân học, tâm lý học, kinh tế học, triết học, mỹ học… Thông qua những lĩnh vực này, chúng ta sẽ có được hiểu biết sâu hơn về mọi thứ. Những kiến thức nền tảng này sẽ giúp chúng ta tự đi được bằng đôi chân của mình, trở thành người suy nghĩ độc lập và cung cấp một bản đồ tri thức mang tính định hướng.
Chẳng hạn như, một nhân viên truyền thông được giao nhiệm vụ tạo ra một sản phẩm đậm chất dân tộc và khiến người Việt Nam tự hào về bản sắc dân tộc trong sản phẩm đó. Nếu nhân viên đó chỉ biết kiến thức về Marketing, truyền thông thì sẽ cảm thấy bí khi trả lời các câu hỏi như: thế nào là tự hào, thế nào là cảm giác tự hào của người tiêu dùng, của người sử dụng, của khách hàng, hay tự hào dân tộc là gì, dân tộc Việt Nam có gì đáng tự hào từ xưa đến nay và người Việt có khả năng sẽ tự hào về những điều gì? Những câu hỏi như thế không nằm trong khối kiến thức về truyền thông có thể dùng ngay được. Nó nằm ở những lĩnh vực khai phóng như tâm lý học, xã hội học, nhân học,… Rất may mắn nếu chuyên viên truyền thông đó biết trước nhưng nếu không biết được toàn bộ thì khi có được một hiểu biết nền móng về khai phóng họ cũng biết gõ cửa những ai, ở đâu hoặc biết đặt ra những câu hỏi để Google hoặc ChatGPT, AI, Chatbot cung cấp thông tin để xử lý tiếp.
Như vậy, vai trò của bản đồ tri thức rất quan trọng, mà phần này trong giáo dục, nhất là ở Việt Nam từ xưa đến nay không được coi trọng. Cho nên, cấu phần của WiseLeader được lắp ghép cùng với những kho tri thức hữu dụng về tổ chức, quản trị, kinh tế, kinh doanh, lãnh đạo, đổi mới… để tạo ra một chương trình học tập bền vững về lâu dài, giúp người học thực sự thỏa mãn được nhu cầu phát triển đầu óc và bản thân.
Từ khi WiseLeader xuất hiện đã chứng tỏ cách tiếp cận đó là hữu ích. Thực tế đã chứng minh rằng trong khuôn khổ của Học viện Agile, các chương trình đào tạo WiseLeader đầu tiên và các chương trình giáo dục khai phóng tại Libero đã giúp nhà lãnh đạo trải nghiệm những chân trời mới và hỗ trợ đáng kể, đầu tiên là mở mang đầu óc, sau đó áp dụng kiến thức đó vào công việc hàng ngày và trong việc dẫn dắt tổ chức.
Tại sao lại là hiền minh?
Trong tên gọi WiseLeader, chữ “Wise” có thể được dịch là sáng suốt, khôn ngoan, thông thái. Tuy nhiên, gần đây dịch giả Hoàng Hưng đã đề xuất một cách dịch khác từ “wisdom” là hiền minh, để ám chỉ hai mặt: sự sáng suốt và đạo đức. Đây cũng là hai yếu tố cơ bản trong hình mẫu mà chúng ta hướng đến trong việc rèn giũa các đức tính, phẩm chất của nhà lãnh đạo kiểu mới.
Bắt đầu với chương trình đào tạo quản lý NeoManager (Chương trình đào tạo quản lý kiểu mới của Học viện Agile), hướng người học tới việc tìm hiểu hai nhà lãnh đạo kiệt xuất của thế giới, một phương Đông, một phương Tây, đó là Peter Drucker và Inamori Kazuo. Đây là hai hình mẫu điển hình của WiseLeader mà chúng ta muốn xây dựng và kiến tạo. Họ có trí tuệ, đạo đức, có sự dấn thân, họ đã dành một đời hoạt động để kiến tạo giá trị và có những đóng góp rất to lớn cho cộng đồng.
Inamori Kazuo là hình mẫu điển hình của WiseLeader
Chữ Wise còn mang hàm ý về lý luận Wise Leadership, một lý luận về lãnh đạo do giáo sư Ikujiro Nonaka và cộng sự đề xuất từ cuối những năm 80, đầu những năm 90. Nonaka được mệnh danh là Peter Drucker mới của thời đại tri thức, bởi ông tiếp nối những viễn kiến của Drucker về quản trị, nhất là quản trị trong thời đại đã chuyển sang hậu công nghiệp, thời đại của tri thức, sáng tạo.
Drucker đã từng đề xuất một quan điểm rất quan trọng rằng tri thức sẽ đi vào trung tâm của sự thịnh vượng trên thế giới và người lao động tri thức sẽ là trung tâm của câu chuyện đó. Sau này, Nonaka tiếp nối mạch tư duy đó để đề xuất một lý luận về knowledge-creating company, những công ty kiến tạo và khai thác tri thức để tạo ra giá trị. Sau này ở Việt Nam cũng bắt đầu phổ biến những lý luận của Nonaka với tên gọi là quản trị dựa vào tri thức. Lý luận của Nonaka rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng rộng lớn suốt từ những năm 90 đến năm 2000 và sau này.
Trong lý luận về tri thức đó có những thành tố như: quan niệm lại về tri thức; tìm kiếm những cách thức để một tổ chức có thể kiến tạo tri thức mới thông qua hoạt động của chính mình, hoạt động tương tác với xã hội. Trong đó chu trình SECI mà Nonaka đã đề xuất là một lý thuyết trung tâm của lý luận về sáng tạo tri thức này. Nhưng điều quan trọng là trong mô hình đó nổi bật lên vai trò của nhà lãnh đạo và nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp dựa vào tri thức đó sẽ được gọi là nhà lãnh đạo khôn ngoan, nhà lãnh đạo sáng suốt, nhà lãnh đạo hiền minh hay chính là Wise Leader. Đó là những người có khả năng, có hiểu biết, có phẩm chất không chỉ về trí tuệ mà cả về đạo đức, để có thể nắm bắt sự vận động của thế giới, của môi trường, thúc đẩy mọi người cộng tác với nhau để kiến tạo tri thức, hiểu biết mới, từ đó kiến tạo giá trị và thúc đẩy tổ chức cũng như xã hội tiến lên. Lý luận này cũng là một trong những trọng tâm của chương trình WiseLeader và các chương trình khác của Học viện Agile.
Kết luận
Nói thêm một chút về từ “hiền minh” này. Như chúng ta đã biết, tri thức có thể được phân loại theo một thang đo từ dạng thô nhất là data (dữ liệu), sau đó được tổ chức và chuyển đổi thành các thông tin có ý nghĩa và hữu ích, và từ đó trở thành tri thức, hiểu biết đích thực. Tuy nhiên, trên đỉnh tháp tri thức này, còn có một tầng cao hơn đó là “wisdom” hay “hiền minh”, là khả năng vận dụng tri thức phù hợp trong các bối cảnh khác nhau và tạo ra sự thay đổi tích cực. Wisdom là một loại tri thức ẩn mang tính chủ quan, hàm chứa nhiều mặt khác nhau, bao gồm cả tình cảm, khả năng thấu cảm, khả năng nhận biết bối cảnh và bản chất của sự việc, để giúp người sở hữu tri thức đưa ra quyết định đúng đắn và sáng suốt.
Chữ “Wise” đó đòi hỏi người lãnh đạo, người có wisdom, không chỉ có một nền tri thức rộng lớn mà còn phải phát triển các phẩm chất khác về tính cách, đạo đức, khả năng đồng cảm, thấu cảm với bối cảnh và môi trường xung quanh. Để đạt được điều đó sẽ cần phải trải qua một quá trình rèn luyện, học tập và hành động cũng như dấn thân phù hợp. Đó chính là lý do, căn cứ cũng như lý tưởng để xây dựng WiseLeader.
Tác giả: Dương Trọng Tấn