Công dụng của Giáo dục Khai phóng đối với nhà lãnh đạo

Quản trị là một lĩnh vực khai phóng

“Quản trị là một lĩnh vực khai phóng”, đó là luận điểm cực kỳ quan trọng của Peter Drucker, người được xem là cha đẻ của quản trị học hiện đại.

Theo Peter Drucker, quản trị là một lĩnh vực khai phóng bởi vì nó phải làm việc liên quan đến con người, với những thứ cơ bản về tri thức, sự tự nhận thức, sự khôn ngoan và lãnh đạo.

peter-drucker-quan-niem-quan-tri-la-mot-linh-vuc-khai-phong

Peter Drucker quan niệm quản trị là một lĩnh vực khai phóng

Quản trị là lĩnh vực khai phóng bởi đây là lĩnh vực liên quan đến thực hành và ứng dụng, không phải khoa học hay phương pháp luận. Đây là lĩnh vực trợ giúp chúng ta hoạt động hiệu quả, tạo ra giá trị để làm được việc của mình, để dẫn dắt một tổ chức, cộng đồng đạt được mục tiêu, tạo ra kết quả. Ví dụ, bệnh viện thì phải chữa được bệnh cho bệnh nhân; trường học phải làm tốt công việc đào tạo con người; công ty lập trình thì làm ra được phần mềm phục vụ khách hàng, người dùng cuối. 

Tất cả những thứ liên quan đến việc bồi đắp tri thức về con người, tự nhiên, xã hội sẽ giúp ích cho quá trình thực hiện công việc của nhà quản trị, lãnh đạo. Bởi thế nên Peter Drucker gọi đây là một lĩnh vực khai phóng. Ông cũng nhận xét rằng, nhà quản trị phải học mọi thứ từ những lĩnh vực khai phóng có liên quan như: tâm lý học để tìm hiểu thêm về hành vi và tâm trí của con người, cách con người trưởng thành và học hỏi; học những bài học của triết học để nắm bắt được giá trị, vấn đề về đạo đức, phải trái đúng sai, rèn giũa khả năng tư duy; những bài học trong lịch sử, những bài học về sự kiến tạo thế giới, xã hội. 

Công dụng của giáo dục khai phóng đối với nhà lãnh đạo

Các nhà lãnh đạo có tài năng kiệt xuất trong quá khứ đã để lại rất nhiều bài học dưới dạng câu chuyện, sách vở, trước tác hoặc bản thân các sự kiện đó cũng mang hàm ý về những bài học sâu sắc. Những nhà lãnh đạo, những bậc vĩ nhân  như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã để lại cho hậu thế vô số bài học quý.

Những lĩnh vực khai phóng khác như khoa học, vật lý, hóa học, sinh học cũng có thể mang lại hiểu biết về thế giới và những hiểu biết đó sẽ trợ giúp cho khả năng tư duy và khả năng hành động trong thực tiễn với tư cách cá nhân hoặc với tư cách một nhà lãnh đạo đang dẫn dắt tổ chức của mình tạo ra kết quả. Cho nên về mặt tự nhiên, bản thân nhà lãnh đạo là kết tinh của tri thức được rút ra từ những lĩnh vực khai phóng truyền thống. 

Một nhà lãnh đạo trong thời đại tri thức hiện đại ngày nay mà không có tri thức, đạo đức sẽ rất khó để thành công. Cho nên, về cơ bản con đường trở thành nhà lãnh đạo một cách đúng đắn phải trải qua sự rèn giũa mang tính khai phóng. Triết lý khai phóng ở đây có thể hiểu theo nghĩa là nền móng hiểu biết vững chắc, rộng, liên ngành, đa dạng để cung cấp cho nhà lãnh đạo sự hiểu biết thấu đáo về con người, xã hội, tự nhiên và không bị ràng buộc bởi các định kiến, quyền lực hay những giáo điều. Những hiểu biết đích thực đó sẽ trợ giúp cho quá trình tư duy cũng như hoạt động kiến tạo tri thức trong thời đại kinh tế, xã hội tri thức hiện nay. Chính vì vậy, sẽ rất tự nhiên nếu một nhà lãnh đạo phát triển năng lực của mình thông qua một danh sách những bộ môn khai phóng. 

Tuy nhiên, giáo dục khai phóng không chỉ đơn thuần về kiến thức, mà còn về phẩm chất và khả năng dấn thân, trách nhiệm xã hội để luôn luôn suy nghĩ tích cực và có những đóng góp cho cộng đồng mình sinh sống, cho xã hội, thể hiện tinh thần công dân, có trách nhiệm. Đó là những phẩm chất khác mà một nhà lãnh đạo sẽ cần phải được rèn giũa một cách có lý trí và kỷ luật. Một nhà lãnh đạo không chỉ cần kiến thức mà còn phải có đạo đức tốt để nêu gương, tạo ảnh hưởng và thuyết phục người khác. Đôi khi người ta không thuyết phục bằng tri thức, trí tuệ mà phải bằng cả đạo đức của mình nữa. 

Một điểm quan trọng khác của giáo dục khai phóng là rèn luyện khả năng tự học và thiết lập cơ chế học tập suốt đời như là hơi thở. Giáo dục khai phóng đề xuất đặt trọng tâm vào phương pháp học tập, phương pháp tự giáo dục. Ban đầu nó tiếp cận với những câu hỏi căn bản của loài người, căn bản của trí thức như: tự do là gì, con người là gì, luật pháp là gì, tại sao lại phải tuân thủ luật pháp, đạo đức là gì, thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là đẹp, Chân – Thiện – Mỹ là thế nào… Đó là những câu hỏi kinh điển, có khả năng trở đi trở lại trong quá trình một con người sống, học tập và cống hiến. Trong suốt quá trình trưởng thành, chúng ta sẽ biết được phương thức tiếp cận những câu hỏi cơ bản đó ngày càng tốt hơn và đúng đắn hơn. Giáo dục khai phóng trang bị phương pháp đó thông qua việc thực hành, học tập theo từng lĩnh vực khai phóng: cách học của triết học, lịch sử, văn chương, tâm lý, khoa học. 

giao-duc-khai-phong-ren-luyen-kha-nang-tu-hoc-suot-doi

Giáo dục khai phóng rèn luyện khả năng tự học suốt đời

Mỗi biệt nghệ khai phóng có một cách tiếp cận khác nhau đối với chân lý. Những kỷ luật đó rèn giũa cho người lãnh đạo khả năng sử dụng các phương thức để theo đuổi suốt đời các câu hỏi cơ bản để ngày càng trở nên thông thái hơn, sáng suốt hơn, hiền minh hơn. Giáo dục khai phóng không chỉ trang bị kiến thức, những phẩm chất trên con đường học tập mà quan trọng nhất là thiết lập văn hóa học tập suốt đời, với kỷ luật đã được thiết lập ngay từ lúc theo đuổi việc học.

Kết luận 

Giáo dục khai phóng không chỉ trang bị những kiến thức cụ thể để nhà lãnh đạo trở nên có trí tuệ và có đạo đức mà còn cung cấp thêm nền tảng của văn hóa mới để trở thành những con người hiền minh hơn qua thời gian. Trong quá trình phát triển của nhà lãnh đạo, nó sẽ tiếp tục tạo ra ảnh hưởng đối với phần còn lại thông qua đường lối như là một bản chất của lĩnh vực lãnh đạo và quản trị – lĩnh vực khai phóng theo Peter Drucker, giúp con người phát triển tự do. 

Tác giả: Dương Trọng Tấn

Bài viết liên quan:

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *