Quản trị là lĩnh vực liên quan đến hành động và ứng dụng; và kết quả chính là thước đo. Điều này làm cho nó trở thành một dạng công nghệ (technology). Nhưng quản trị cũng liên quan đến con người, giá trị của họ, sự trưởng thành và phát triển của họ—và điều này làm cho nó trở thành một lĩnh vực nhân văn. Nó cũng có mối quan tâm, và tác động đến các cấu trúc xã hội và cộng đồng. Drucker đã làm việc với các nhà quản lý của các loại tổ chức khác nhau trong nhiều năm, ông chỉ ra rằng quản trị thực sự quan hệ sâu sắc với đạo đức – bản chất của con người, thiện và ác.
Do đó, quản trị, theo cách gọi truyền thống, được coi là một biệt nghệ khai phóng (liberal art)—“khai phóng” bởi vì nó liên quan đến các nguyên tắc cơ bản của kiến thức, sự hiểu biết về bản thân, sự khôn ngoan và khả năng lãnh đạo; “biệt nghệ” bởi vì nó liên quan đến thực hành và ứng dụng. Các nhà quản trị dựa trên tất cả những kiến thức và hiểu biết sâu sắc về khoa học xã hội và nhân văn – về tâm lý học và triết học, về kinh tế và lịch sử, về đạo đức – cũng như về khoa học vật lý. Nhưng họ phải tập trung kiến thức này để trở nên hiệu quả và tạo ra thành quả—chữa bệnh cho bệnh nhân, dạy cho học sinh, xây xong cây cầu, thiết kế và bán được phần mềm “thân thiện với người dùng”.
Vì những lý do này, quản trị sẽ ngày càng trở thành một lĩnh vực lí luận (discipline) và thực hành (practice) có sự ghi nhận, tác động và tính thiết thực của các lĩnh vực “nhân văn”.
Đây là những điều mà đã được đề cập trong cuốn sách “The new realities. Routledge./ Chapter 15, Management as Social Function and Liberal Art” của Drucker, P. F.
Chúng tôi mong chuyên đề “Giáo dục khai phóng cho nhà quản lý” này sẽ hữu ích với bạn