Tư duy đổi mới giáo dục
Trích chia sẻ của TS. Phạm Hùng Hiệp – Sáng lập chương trình Research Coach in Social Sciences tại Trường hè Tư duy 2023.
Về góc độ quản lý vĩ mô, bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng có 3 mục tiêu đó là: chất lượng (quality), công bằng (equality) và mở rộng (accessibility).
Một số chỉ số đánh giá hệ thống giáo dục
Đầu tiên là chất lượng. Chất lượng giáo dục rất khó đo lường vì giáo dục là một sản phẩm vô hình. Để đo lường trong giáo dục phải thông qua một số chỉ số vì một chỉ số không bao giờ đủ để đánh giá một hệ thống giáo dục mà phải đồng bộ nhiều chỉ số như:
- Student-teacher ratio (STR) – Tỷ lệ học sinh/giáo viên tại các cấp
- Dropout Rate – Tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp
- Average years of schooling of Adults – Trung bình thời gian đến trường của người trưởng thành.
- Education attainment ratio (EAR) – Tỷ lệ dân số đạt được một trình độ học vấn nhất định.
- Government expenditure on education – Ngân sách chính phủ cho giáo dục (% GDP),…
Một trong những chỉ số quan trọng nhất là tỉ lệ học sinh trên giáo viên. Trong đó, Đức là nước có chỉ số tốt nhất so với các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia. Hoặc trung bình thời gian đến trường của người trưởng thành. Hoặc tỉ lệ dân số đạt được một trình độ học vấn nhất định. Ngày xưa là tiểu học, bây giờ phổ cập tiểu học rồi lên đến trung học phổ thông,… Hoặc ngân sách Chính phủ đầu tư cho giáo dục cũng là một chỉ số,…
Trong khoảng 20 năm gần đây, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA (The Programme for International Student Assessment) dành cho học sinh 15 tuổi (15 tuổi 3 tháng đến 16 tuổi 2 tháng). Trong đó tập trung đánh giá và khảo sát các kiến thức và kỹ năng cơ bản như: Đọc hiểu (Reading), Toán học (Mathematics), Khoa học (Science), sau này được bổ sung một số hạng mục như: Kỹ năng giải quyết vấn đề, Năng lực tài chính, Năng lực công dân toàn cầu, Tư duy sáng tạo.
Ngoài ra, còn có Bảng hỏi khảo sát về các yếu tố khác như: Nền tảng gia đình, Thái độ với việc học tập, Các khía cạnh của trường học: nguồn lực, chính sách,…, Cấu trúc tổ chức và không khí học tập tại cơ sở giáo dục, Động lực học tập, sức khỏe tinh thần, định hướng nghề nghiệp,… Đây là một sáng kiến của OECD để đưa ra những chỉ số mới về đánh giá chất lượng giáo dục.
Còn ở bậc đại học cũng có những Bảng xếp hạng đại học đưa ra những tiêu chí đánh giá chất lượng của các trường. Ví dụ, QS Ranking với các chỉ số tiêu biểu có thể kể đến như: Khảo sát uy tín học thuật toàn cầu, Khảo sát toàn cầu về vị thế các trường đại học trong thị trường việc làm, Tỉ lệ nhân viên, cán bộ học thuật/Sinh viên, Số lượng trích dẫn trên tổng số giáo viên, Tỉ lệ nhân viên cán bộ học thuật quốc tế trên tổng thể, Tỉ lệ sinh viên quốc tế trên tổng thể.
Times Higher Education cũng là một bảng xếp hạng khác với những chỉ số tương tự, nhưng đưa ra các chỉ số doanh thu từ chuyển giao công nghệ, doanh thu nghiên cứu từ ngành công nghiệp,…
Thứ hai là về sự công bằng cũng có những chỉ số tương ứng. Ví dụ như các chỉ số bình đẳng giữa các nhóm: Tỷ lệ đến trường (GER) của các nhóm khác nhau như theo giới tính, thu nhập, dân tộc, vùng miền:
- Gender Parity Index – Chỉ số bình đẳng giới: Nữ/Nam
- Wealth Parity Index – Chỉ số bình đẳng mức sống: Mức sống thấp/Mức sống cao
- Area Parity Index – Chỉ số bình đẳng vùng miền: Nông thôn/Đô thị
- Ethnicity Parity Index – Chỉ số bình đẳng dân tộc
Thứ ba là về mức độ mở rộng, cũng có một số chỉ số, trong đó quan trọng nhất là chỉ số Gross Enrolment Ratio (GER) – Tỷ lệ nhập học gộp: Tỷ lệ giữa số người đến trường (tất cả độ tuổi) ở một cấp giáo dục (ví dụ, đại học) so với dân số trong độ tuổi thường tham dự việc học ở cấp đó (ví dụ, 18-24 tuổi).
Bên cạnh đó là chỉ số Net Enrolment Ratio – Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi: Tỷ lệ giữa số người đến trường đúng độ tuổi ở một cấp giáo dục (ví dụ, đại học) so với dân số trong độ tuổi đó (ví dụ, 18-24 tuổi).
Một số cuộc cải cách giáo dục gần đây
Nghị quyết 14/2005/NQ-CP
Nghị quyết 14 ra đời vào năm 2005 là nghị quyết dành riêng cho giáo dục đại học.
- Xây dựng một vài trường đại học đẳng cấp quốc tế.
- Đạt tỷ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010, trong đó khoảng 70 – 80% tổng số sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp – ứng dụng vào khoảng 40% tổng số sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
- Bảo đảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên của hệ thống giáo dục đại học không quá 20. Đến năm 2010 có ít nhất 40% giảng viên đạt trình độ thạc sỹ và 25% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020 có ít nhất 60% giảng viên đạt trình độ thạc sỹ và 35% đạt trình độ tiến sĩ.
- Các trường đại học lớn phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước; nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất và dịch vụ đạt tối thiểu 15% tổng nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học vào năm 2010 và 25% vào năm 2020.
Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013
- Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.
- Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.
- Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương.
Nhìn lại một cuộc cải cách giáo dục trong quá khứ
Quay trở lại một trong những cuộc đổi mới xã hội đầu tiên của nước ta đó là lớp bình dân học vụ.
Tháng 9/1945, 95% người dân mù chữ. Khó khăn về ngân sách: cần hơn 100.000 người từ chỉ huy đến nhân viên, giáo viên. Nếu phải trả lương cho cán bộ, một năm có thể lên tới ngót 200 triệu đồng, chưa kể tiền in sách, mua học phẩm. Nhưng khi đó ngân sách dành cho bình dân học vụ chỉ 2 triệu đồng.
Chính phủ ra nghị quyết là trong 6 tháng, mỗi làng/thị trấn phải có ít nhất 01 lớp học bình dân. Người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít; người biết chữ ít dạy người không biết chữ. Thay vì cách học cổ truyền là “đánh vần từng chữ”, bình dân học vụ sử dụng phương pháp “đọc lên thành tiếng“: “I, T giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, (t) tờ dài có ngang”. Trạm kiểm tra soát chữ ở khắp nơi: ai không đọc được chữ trên bảng thì không cho đi qua. Ví dụ, treo một bảng trước cửa chợ, các bà các mẹ đi qua phải đọc được mới cho vào chợ mua thịt, mua cá, mua rau, không đọc được sang lớp bên cạnh, có lớp vào học luôn. Xong bắt đầu tuyên truyền cho các cô gái mới lớn là “Lấy chồng biết chữ là tiên/ Lấy chồng mù chữ là duyên con bò”.
Chỉ trong một năm (8/1945-8/1946), phong trào bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học. Sau 5 năm (đến 30/6/1950), gần 12,2 triệu người biết chữ. 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ.
Bây giờ chúng ta sẽ nói về câu chuyện làm thế nào, cách tiếp cận về mặt quản lý nhà nước thì có 2 keyword là chia sẻ chi phí và tự chủ – giải trình.
Chia sẻ chi phí tức là phân chia rõ đâu là phần Nhà nước phải đầu tư, đâu là phụ huynh, sinh viên phải đầu tư. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng hình thức cho vay, ví dụ Nhà nước sẽ đầu tư hết cho tiểu học, trung học cơ sở, thậm chí cả trung học phổ thông (nếu có điều kiện). Tự chủ – giải trình bản chất là Nhà nước không thể ôm được mãi và trách nhiệm đổi mới giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội. Đầu tiên là từ chính phủ xuống đến các trường, các trường có quyền tự quyết là chính. Đây là kinh nghiệm quốc tế.
Ở Việt Nam cũng như mọi nước trên thế giới cách đây từ 40-50 năm phương Tây sau năm 1945 đều có hiện trạng như nhau. Sau chiến tranh, Anh Quốc đã đến giới hạn, Nhà nước không đủ tiền để nuôi các trường, đặc biệt là trường đại học. Bây giờ thu học phí thì sinh viên, Quốc hội phản đối ầm ầm, nhưng Thủ tướng Margaret Thatcher vẫn quyết liệt làm. Bà đưa ra một học thuyết là Học thuyết quản lý công mới (New Public Management) và áp dụng vào các đơn vị dịch vụ công bao gồm: giáo dục, y tế, phòng cháy chữa cháy và một phần là đường xá. Học thuyết này bao gồm 4 trụ cột. Đầu tiên là trao quyền, phân cấp quản lý, phi tập trung hóa và tự do lựa chọn, tức là trao quyền tự chủ cho các đơn vị, có nhiều sự lựa chọn hơn cho xã hội. Tái cơ cấu Chính phủ, cắt giảm chi phí, tăng nguồn thu, tức là Nhà nước đầu tư ít đi hoặc vẫn như thế, nhưng nhiều thứ được tiếp thu hơn, chi ít đi nhưng các đơn vị được tự thu tiền dịch vụ của họ.
Nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý, dịch vụ hóa các đơn vị như trường học, bệnh viện trở thành đơn vị dịch vụ công, đưa những concept quản trị vào và kỳ vọng đạt kết quả cao hơn. Bà Margaret Thatcher rất quyết liệt, nước Anh trở thành nước đầu tiên trong các nước phương Tây thu học phí ở bậc đại học.
So sánh giữa Mô hình quản lý truyền thống với Mô hình quản lý công mới thì: Mô hình quản lý truyền thống với môi trường hành chính công do Nhà nước quản lý trực tiếp, trường học là cơ quan công lập, giáo viên là công chức, đề cao quy trình/tuân thủ, Nhà nước bao cấp toàn bộ.
Mô hình quản lý công mới với thị trường/bán thị trường (quasi-market), Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm “điều hành” từ xa, tức là Nhà nước dựng lên hành lang pháp lý. Còn nhà trường vận hành như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công; chấp nhận trường tư, giáo viên không còn là công chức mà là người lao động, đề cao kết quả đầu ra và chia sẻ chi phí.
Giáo dục Việt Nam 2045: quan điểm cá nhân
Tôi nghĩ là đến năm 2045 Việt Nam buộc phải phổ cập giáo dục phổ thông và đại chủng hóa giáo dục đại học và dạy nghề, tức là tỷ lệ thanh niên đi học đại học phải trên 50%. Để làm được việc này thì vai trò rất lớn là của trường tư. Ngoài ra, phải duy trì ổn định tỷ lệ nam/nữ; tỷ lệ người dân tộc; tỷ lệ người theo các mức, thu nhập khác nhau đi học đại học.
Tôi cũng mạnh dạn đề xuất một cách tiếp cận mới, đó là khái niệm học vi mô, trong điều kiện chúng ta không có nhiều nguồn lực, không có đủ người giỏi để làm. Ví dụ, về một bài giảng thì chia làm bài giảng dễ online hóa để tiết kiệm chi phí, học mọi nơi mọi lúc, gộp các bài giảng nhỏ trở thành một tín chỉ. Không nhất thiết cứ phải học đủ 4 năm mới đi làm, học đến cấp 3 phổ cập giáo dục sau đó học đến đâu đủ dùng đi làm, làm chán quay lại học, đủ số tín chỉ vi mô cấp bằng đại học thì mới gọi là bền vững. Thay vì học 4 năm thì học 1 năm xong đi làm, đi làm xong quay trở lại học. Đặc biệt, với học online thì không cần quá nhiều người giỏi, chỉ cần một nhóm nhỏ thiết kế làm thật tốt là được. Tôi cho rằng học vi mô là nền tảng của một cuộc bình dân học vụ mới cho bậc đại học. Bình dân học vụ là ai cũng có thể học được, ai cũng có thể tham gia vào công cuộc đổi mới giáo dục.
Bài viết liên quan: