Nền kinh tế trải nghiệm

Mẹ Tom đi làm trở lại sau sinh. Cái xe máy của Mẹ bỏ đấy gần 1.5 năm chả đoái hoài. Để đảm bảo an toàn, Bố Tom cuối tuần đi bảo dưỡng, cũng tranh thủ đọc sách trong lúc ngồi chờ bảo dưỡng. Một góc nhìn khá thú vị của 2 nhà kinh tế học Joseph Pine và James Gilmore đã đưa ra cách đây 20 năm, và phiên bản cập nhật 2019. Mời các bạn tiếp tục hành trình Mỗi tuần một chút kiến thức cùng Bố Tom! 

cac-giai-doan-cua-nen-kinh-te-trai-nghiem

Các giai đoạn của nền kinh tế trải nghiệm

COMMODITIES – Kinh tế Hàng hóa

Tương đương với Thời kỳ Nông nghiệp, đây là giai đoạn con người TRAO ĐỔI hàng hóa, bản chất chỉ là nguyên vật liệu. Đây là những thứ được Mẹ Thiên Nhiên ban tặng, con người chỉ việc gặt hái, nuôi trồng, thu lượm và có thể trao đổi nhau (ngầm định chúng tương đương nhau về giá trị và giá cả) để đáp ứng nhu cầu bản thân. 

Ví dụ: Đối với nhu cầu Café, bố Tom có thể mang 10 quả trứng gà (do nhà đang nuôi gà) sang hàng xóm đổi lấy Hạt café (do bên này trồng cây Café), rồi về hì hục tự rang, xay, chế biến gì đó ra cốc Café. Quy ra chi phí rẻ dã man, <1000 VNĐ/cốc.

GOODS – Kinh tế Sản phẩm

Tương đương Thời kỳ Công nghiệp, đây là giai đoạn con người sản xuất ra Thành phẩm/Sản phẩm từ các nguyên liệu thô. Con người sẽ mua sản phẩm HỮU HÌNH theo nhu cầu của mình với giá cả khác nhau tùy theo giá trị mỗi sản phẩm mang lại.

Ví dụ: Bố Tom có tiền ra chợ mua Gói café đã được rang, xay, chế biến cẩn thận, mang về nhà pha uống. Quy ra chi phí vẫn rẻ, khoảng 2000-5000 VNĐ/cốc.

SERVICES – Kinh tế Dịch vụ

Thời kỳ con người không muốn đích thân làm mà chỉ muốn được phục vụ. Khái niệm Dịch vụ là các hoạt động VÔ HÌNH được tiêu chuẩn hóa để đáp ứng nhu cầu khách hàng cụ thể (Dịch vụ Cắt tóc, Khám sức khỏe,…) 

Ví dụ: Bố Tom uống Café vỉa hè hoặc cửa hàng thông thường, chi phí 10.000-20.000 VNĐ/cốc.

EXPERIENCES – Kinh tế Trải nghiệm

Thời kỳ con người muốn có được các giá trị mới, cái họ không ngờ tới. Những lời đề nghị (Offering) có tính “trải nghiệm” được hiểu bất cứ khi nào Bên cung cấp CHỦ ĐÍCH sử dụng sản phẩm, dịch vụ để GẮN KẾT khách hàng, tạo trải nghiệm ĐÁNG NHỚ.

Ví dụ: Bố Tom uống Café tại Starbucks – thương hiệu với tầm nhìn “To inspire and nurture the human spirit”. Tức nôm na, chúng tôi không đơn thuần phục vụ café, chúng tôi truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tâm hồn, thông qua không gian quán, cách thức phục vụ,… để chi phí lên đến 60.000 – 100.000/cốc.

Đến đây các bạn đã hiểu, điều gì đã thúc đẩy người tiêu dùng sẵn sàng chỉ trả gấp 100 lần, từ 1 cốc café giá 1000 VNĐ lên đến 100.000 VNĐ rồi nhỉ? Chỉ có thiết kế và cung cấp trải nghiệm khác biệt, vượt kỳ vọng so với nhu cầu gốc, như câu chuyện từ 1 cốc café thông thường để uống, lên mức sẵn sàng tiêu tốn thời gian để nhâm nhi café, hưởng thụ không khí sang chảnh, khác biệt. 

Bài viết liên quan:

Khóa học tham khảo:

HOÀNG ANH ĐỨC