Cách hiểu của tôi về nghệ thuật

Trích chia sẻ của Nhạc sĩ Dương Thụ – Sáng lập và điều hành Salon Văn hóa Cafe thứ Bảy tại Trường hè Tư duy 2023.

Chúng ta quan niệm nghệ thuật là gì? Thời cổ, nghệ thuật là văn chương, văn thơ. Ngành chúng ta nghĩ đến đầu tiên là văn, rồi đến mỹ thuật, trong đó có hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Thế rồi có âm nhạc, có múa, có sân khấu, bây giờ tổng hợp tất cả mọi thứ lại gọi là điện ảnh, trong điện ảnh có đủ văn chương. Những thứ đó gọi là nghệ thuật ổn định. Những thứ ổn định thì có một hệ thống trường đào tạo, ví dụ như về mỹ thuật thì có trường mỹ thuật. Có trường mỹ thuật, rồi có trường viết văn, có nhạc viện, có trường múa, có trường sân khấu điện ảnh. Những thứ này người ta gọi là nghệ thuật hàn lâm. Nghệ thuật hàn lâm là phải học và muốn hiểu nghệ thuật hàn lâm thì phải học. 

Nghệ thuật hàn lâm rất khác với nghệ thuật phổ thông, nghệ thuật đại chúng là những thứ không cần học. Nghệ thuật phổ thông không đòi hỏi tính nghệ thuật. Tôi muốn nhấn mạnh rằng các bạn nên quan tâm đến nghệ thuật hàn lâm, bởi vì nó gắn với sự phát triển văn hóa, sự phát triển của nhân cách. Những đúc rút về nghệ thuật chủ yếu đến từ nghệ thuật hàn lâm chứ không phải từ nghệ thuật đại chúng. Bolero hay những ca khúc phổ thông mà mọi người thích không phải là đối tượng, chúng rất có giá trị xã hội nhưng liên quan đến phát triển về văn hóa thì không có nhiều. Phải là những người phát triển nghệ thuật hàn lâm thì mới liên quan đến phát triển nghệ thuật văn hóa. Vì thế, nói về nghệ thuật, tôi muốn nhấn mạnh nhiều đến nghệ thuật hàn lâm.

buoi-chia-se-cua-nhac-si-duong-thu-trong-chuong-trinh-truong-he-tu-duy

Buổi chia sẻ của nhạc sĩ Dương Thụ trong chương trình Trường hè tư duy

Giỏi và hay trong con người và trong nghệ thuật

Giỏi và hay trong con người

Người giỏi là giỏi nghề (cả kỹ năng và kiến thức), giải quyết được những cái khó nhất mà ý tưởng sáng tạo đòi hỏi. Mà giỏi phải dựa trên nền tảng hiểu biết văn hóa, vững về triết học, văn chương, âm nhạc, hội họa và các kiến thức phổ thông khác. Cho nên người giỏi là quan trọng. 

Còn thế nào là người hay? Đầu tiên là phải có cá tính, hấp dẫn được người khác. Cá tính là làm thế nào có sự khác biệt trong lĩnh vực của mình thì mới hấp dẫn người khác. Thứ hai là phải có nội tâm sâu sắc, giàu cảm xúc và giàu tình cảm. Làm nghệ thuật cũng phải có chữ Khiêm, làm nghệ thuật mà cứ huênh hoang thì sẽ không có giá trị lâu dài. Khiêm là không thấy mình đủ, luôn thấy mình thiếu, vớ được cuốn sách gì là đọc, gặp người hay là nghe, cho nên tầm vóc của họ phát triển được. Bởi vậy người làm nghệ thuật muốn hay là phải có chữ Khiêm. Khiêm là không ngồi vào chỗ không phải của mình, không cầm vật không phải của mình, không nói lời không phải của mình. 

Cuối cùng phải là người 4T (Tự do, Tự tại, Tự tôn, Tự tin). Có Tự do chúng ta sẽ Tự tại, tức là tồn tại bằng chính mình. Có Tự tại chúng ta mới Tự tôn, mới tôn trọng bản thân mình. Có tôn trọng bản thân chúng ta mới có Tự tin và chỉ có Tự tin thì mới sáng tạo được. Tự tin có thể làm được rất nhiều việc, nhưng muốn tự tin thì phải trang bị đủ sức và phải sống với những cái của mình.  

Giỏi và hay trong nghệ thuật

Đã làm nghệ thuật thì phải hay, nhưng hay thôi chưa đủ, phải vừa hay lại vừa giỏi.

Nhạc Tiền chiến, Hậu tiền chiến, nhạc lãng mạn Sài Gòn trước 1975 hay nhưng chưa giỏi. Như Trịnh Công Sơn chỉ biết chơi đàn guitar và hòa thanh, tư duy của ông chủ yếu là tư duy văn chương. Đó là lý do nhạc Trịnh một người thợ hồ cũng hát được. Đó gọi là nghệ thuật phổ thông, nghệ thuật phổ thông không gắn nhiều với yếu tố âm nhạc mà gắn nhiều với yếu tố văn chương. 

Nhưng làm nghệ thuật hàn lâm phải có cái giỏi, tức là vừa giỏi vừa hay. Ta biết đối với sự phát triển của văn hóa thì phần giỏi, phần kỹ thuật rất quan trọng. Và muốn giỏi thì phải được đào tạo. Nhạc Cách mạng giỏi hơn nhưng chưa hay lắm. Ví dụ, nhạc sĩ Văn Cao rất hay cũng giỏi nhưng nếu ông được đi học ở nhạc viện Tchaikovsky hay đi học ở nước ngoài thì bài “Trường ca sông Lô” xứng đáng có thể chuyển thành một tác phẩm giao hưởng cực kỳ hay, rất tiếc cái hay của ông lại bị thu hẹp trong phạm vi một bản trường ca dành cho quần chúng hát. 

Cái hay thật sự của nghệ thuật là cái hay phi thời. Âm nhạc hay sẽ trở thành ký ức của nội tâm, nó được nhớ, nên có sức sống dai dẳng. Nếu vừa giỏi lại vừa hay thì cái giỏi nó sẽ đẩy cái hay đi xa, tác phẩm sẽ không chết yểu mà là “sống mãi với thời gian”. Người vừa giỏi lại vừa hay thì sự nghiệp lâu dài, tác phẩm có số lượng đủ để định hình (phong cách) và định danh (tên tuổi).

Quan điểm nghệ thuật: Nghệ thuật là hữu dụng hay vô dụng?

Đối với người làm nghệ thuật thường sẽ có 3 câu hỏi. Thứ nhất là mục đích viết: Viết để làm gì, viết cho ai. Thứ hai là viết cái gì, thứ ba là viết như thế nào. Đầu tiên là mục đích, thứ hai là chủ đề, đề tài và thứ ba là hình thức. 

Viết để làm gì?

Tôi viết để làm gì? Tôi viết chẳng có mục đích gì cả, tôi làm nghệ thuật vô mục đích. Tôi không nhân danh ai hết, tôi chỉ nói về tôi. Ngày mưa buồn, ngồi nhìn mưa tâm hồn tôi bị đánh thức, một cái gì đó hiện ra bằng nốt nhạc sắp xếp trong một hòa thanh nào đó, một tiết tấu nào đó, một sắc thái và một tempo nào đó rồi nó được dịch ra bằng ngôn từ để ta ngồi vào đàn, đàn, viết trên trang giấy chép nhạc với bút chì và cục tẩy. Đàn, viết, tẩy xóa…Ngày nắng, nhìn ra cửa sổ, rồi đêm hôm khuya khoắt, một mình trong ngõ nhỏ, hay một mình trong phòng đợi ga tàu,.. lại bỗng dưng như thế. Đó là một hành động tự nhiên như ta thở để mà sống. Tôi thở và ăn uống để sống cho cái thể xác tôi. Tôi viết để sống cho cái nội tâm tôi.

Có 2 loại nghệ thuật là nghệ thuật hữu dụng và nghệ thuật vô dụng, tôi thuộc loại thứ 2. 

Quan điểm nghệ thuật là hữu dụng

Nghệ thuật hữu dụng là gì? Một là, viết để giáo dục cho người khác về cái đẹp, lòng yêu nước… Hai là, viết phục vụ đất nước. Đó là nghệ thuật hữu dụng, là có tính mục đích. Khi nghệ sĩ coi việc làm nghệ thuật là một nghề để kiếm sống, để có danh tiếng và địa vị trong xã hội. Khi nghệ sĩ coi việc làm nghệ thuật là một sứ mạng cao cả. 

Quan điểm nghệ thuật là vô dụng

Nhưng nghệ thuật không nằm trong yếu tố phi thời. Khi người nghệ sĩ không tự coi việc làm nghệ thuật là một nghề, một sứ mạng, coi làm nghệ thuật là sự sáng tạo thuần túy cá nhân để được sống với phần sâu xa nhất, bí ẩn nhất trong nội tâm của mình. Họ không tự cho mình nghĩa vụ phải giáo dục ai, phục vụ ai, mang lại lợi ích cho ai, kể cả bản thân (tiền bạc, địa vị và danh vọng). Đây là những con người tự do, cái gì cũng làm theo ý mình nên cuộc đời long đong lận đận, thường ít được biết đến khi còn sống, nhưng vì tự do nên họ giàu sức sáng tạo, mới mẻ, do đó có thể đóng góp nhiều cho sự phát triển của văn hóa (ví dụ về J. Bach & Schubert trong âm nhạc).

Viết cái gì

Nghe nhạc để được sống trong yêu thương, viết nhạc với tôi chắc không thể khác. Viết những cái xảy ra trong tôi do trái tim mách bảo. Nó là cái gì làm sao có thể định trước. Âm nhạc ở bên trong mình, nó ẩn sâu, vô thanh và vô hình. Nó hình thành như thế nào, là cái gì, khi nào nó xuất hiện và đòi được diễn đạt. Đó là một bí mật ta không thể khám phá.

Viết như thế nào

Không bao giờ viết cái công chúng quen nghe, quen cho là hay. Viết để không giống thần tượng của mình, để không giống ai, muốn vậy quan trọng nhất vẫn là cách viết (đòi hỏi sự sáng tạo về kỹ thuật). Cách viết là hình thức chứ không phải nội dung > “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Trong ba câu hỏi, với tôi “Viết như thế nào?” (Cách Viết) là quan trọng nhất.

Bài viết liên quan: