4 bí kíp để trở thành một người sếp tốt được mọi nhân viên yêu quý
Các nhà quản lý đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong cuộc đua thu hút và giữ chân nhân tài hiện nay. Họ chính là người quyết định đến sự hài lòng và mức độ hạnh phúc của nhân viên tại nơi làm việc. Thực hành 4 thói quen này có thể giúp trở thành một người sếp tốt được mọi nhân viên yêu quý.
Các nhà quản lý đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi sự hài lòng của nhân viên được đặt lên hàng đầu trong cuộc đua thu hút và giữ chân nhân tài hiện nay. Theo nghiên cứu của McKinsey, trên thực tế, một trong những yếu tố hàng đầu mà các nhân viên viện dẫn làm lý do nghỉ việc trong Làn sóng tiêu hao lực lượng lao động (Great Attrition) là họ cảm thấy không được quản lý của mình coi trọng.
Ngược lại, những người tại các tổ chức có quan hệ nhân viên-quản lý tốt chia sẻ rằng mức độ hài lòng với công việc của họ cao hơn đáng kể: Trong số những người nói rằng quan hệ quản lý là “rất tốt”, 74% cho biết họ rất hoặc hoàn toàn hài lòng trong công việc của mình, so với chỉ 15% của những người nói rằng quan hệ là “rất tệ”.
Vô số nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ thực nghiệm giữa sự hài lòng của nhân viên và kết quả kinh doanh như lòng trung thành của khách hàng và lợi nhuận. Một phân tích tổng hợp quy mô lớn cho thấy các đơn vị kinh doanh có sự gắn kết của nhân viên ở phần tư top đầu đạt được tỷ suất lợi nhuận hoạt động cao hơn 1-4 điểm phần trăm so với các đơn vị ở phần tư dưới cùng.
Nhưng để trở thành một người sếp tốt không hề dễ dàng — một nghiên cứu cho thấy chỉ 10% người thiên bẩm sở hữu tất cả đặc điểm cần thiết để trở thành một nhà quản lý giỏi. Nhiều lời khuyến khích dành cho các nhà lãnh đạo cũng bị lệch lạc; nghiên cứu cho thấy rằng một số nhà lãnh đạo thậm chí có thể đạt được vị trí của họ bằng cách tự cho mình là trung tâm, tự kiêu, tự luyến và thao túng tâm lý.
Ngược lại, các yếu tố cơ bản của mối quan hệ nhân viên-quản lý tốt cũng giống như bất kỳ mối quan hệ con người nào khác: tin tưởng lẫn nhau, khuyến khích, đồng cảm và giao tiếp tốt.
Bất kể người quản lý nào cũng có thể trở thành một nhà quản lý tốt hơn, từ đó, đóng một vai trò thiết yếu trong việc nâng cao mức độ hạnh phúc tại nơi làm việc và sự hài lòng của nhân viên. Có thể bắt đầu với bốn thực hành mang tính nhân văn đơn giản sau đây.
Sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sự nhạy cảm
Một người quản lý thực sự quan tâm đến hạnh phúc của nhân viên có xu hướng tìm hiểu về điều đó. Một câu hỏi chân thành như: “Hôm nay bạn thế nào?” tạo cơ hội cho nhân viên nêu vấn đề và cảm thấy an toàn khi họ làm điều đó. Hơn nữa, sự hiếu kỳ và lòng trắc ẩn thường đi đôi với nhau. Nghiên cứu cho thấy rằng khi nhân viên cảm nhận được lòng trắc ẩn hoặc lòng tốt từ người lãnh đạo, họ sẽ trung thành hơn. Lòng trung thành sau đó cũng sẽ mang lại hiệu suất tốt hơn trong công việc.
Lòng biết ơn
Cử chỉ đơn giản như cảm ơn mọi người là hành động đôi bên cùng có lợi: Không mất gì cả và mọi người đều cảm thấy tốt hơn. Nhận được lời cảm ơn khiến mọi người cảm thấy có giá trị. Tán dương những thành tựu nhỏ giúp mọi người đối mặt với những thách thức lớn hơn và tạo động lực tích cực khiến mọi người đều muốn làm việc tốt hơn nữa. Nhưng đừng lạm dụng nó. Mọi người có thể biết khi nào sếp và lãnh đạo cấp cao của họ chỉ làm theo kịch bản mà không thực sự có ý nghĩa như những gì họ nói. Rèn luyện khả năng cảm nhận lòng biết ơn chân thật và thể hiện điều đó một cách chân thành.
Tính tích cực
Đưa ra phản hồi tích cực xây dựng sự tự tin của nhân viên và gia tăng các hành vi tốt. Sự quan tâm tích cực vô điều kiện — thực hành thừa nhận các cảm xúc, hạn chế sự phán xét và đưa ra sự trợ giúp — thúc đẩy động lực và độ tin cậy. Ngoài ra, sự quan tâm tích cực là yếu tố quan trọng để phát triển ý thức tự chủ và năng lực của cá nhân, trực tiếp mang lại hạnh phúc và sức khỏe tốt hơn.
Nhận thức và tự chăm sóc bản thân
Các nhà lãnh đạo trước tiên phải tự giúp mình trước khi họ có thể làm điều tương tự cho người khác. Khi bị căng thẳng hoặc lo lắng cao độ, bạn khó có thể cảm thông, biết ơn và lạc quan. Việc trở thành một người quản lý tích cực hỗ trợ và nhân ái sẽ dễ dàng hơn đối với những người nhận thức được và có sự bình yên với trạng thái bên trong của chính họ. Công thức để tự chăm sóc bản thân sẽ khác nhau đối với mỗi người, nhưng thường có những điểm chung như chú ý đến chế độ ăn uống, tập thể dục, thời gian thư giãn và giấc ngủ. Đối với nhiều người, các thực hành chánh niệm hoặc thiền định khác cũng là những nguồn sức mạnh phục hồi.
Thật vậy, những hành động nhỏ bé thường có giá trị nhiều hơn những thay đổi lớn hơn về cấu trúc. Một khía cạnh tích cực của làm việc từ xa là nó đã giúp chúng ta nhìn nhận đồng nghiệp của mình trước tiên như những con người bình thường thông qua việc chúng ta có cơ hội nhìn thấy nhà cửa, gia đình và cuộc sống của họ. Điều đó hiệu quả theo cả hai cách, với việc nhân viên cũng có thể nhìn thấy một mặt đời thường hơn của quản lý. Người quản lý biến những thực hành này thành thói quen hằng ngày có thể gia tăng sự hài lòng của nhân viên đồng thời bản thân họ cũng trở nên tốt hơn — và hạnh phúc hơn.
Tác giả: Tera Allas, Bill Schaninger
Nguồn: McKinsey
Bài viết liên quan: